Đề nghị bổ sung hình thức khen thưởng cho các đối tượng đặc thù

Thứ sáu, 17/08/2018 16:03
(ĐCSVN) – Dự thảo Luật Thi đua, Khen thưởng (sửa đổi) dự kiến bổ sung một số hình thức khen thưởng cho các đối tượng đặc thù.
Sau 13 năm thực hiện, Luật Thi đua, khen thưởng đã bộc lộ một số hạn chế
(Ảnh minh họa: Lê Sơn/VGP)

Khen thưởng tập thể nhỏ và lao động trực tiếp còn hạn chế

Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến vào dự thảo Luật Thi đua, Khen thưởng (sửa đổi).

Bộ Nội vụ cho biết, Luật Thi đua, Khen thưởng được Quốc hội Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XI (kỳ họp thứ 4) thông qua ngày 26/11/2003, có hiệu lực từ ngày 01/7/2004. Luật Thi đua, Khen thưởng (gọi tắt là Luật) đã được sửa đổi, bổ sung năm 2005 và năm 2013.

Sau 13 năm thực hiện, Luật đã và đang đi vào cuộc sống, được các cấp, các ngành thực hiện có hiệu quả, được nhân dân đồng tình, ủng hộ. Bên cạnh những tích cực, Luật còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần được nghiên cứu sửa đổi cho phù hợp với tình hình thực tiễn.

Cụ thể, về tổ chức các phong trào thi đua, công tác tổ chức thực hiện còn chưa đồng đều ở các vùng miền và các thành phần kinh tế (đặc biệt vùng nông thôn, địa bàn dân cư, khu vực kinh tế ngoài nhà nước chưa được quan tâm chỉ đạo tổ chức các phong trào thi đua). Một số nơi phong trào thi đua còn hình thức, chưa tạo được động lực thi đua từ cơ sở, từ quần chúng nhân dân; chưa gắn kết thi đua với thực hiện nhiệm vụ chính trị; nội dung, tiêu chí thi đua chưa cụ thể, chưa gắn với lợi ích của người lao động; chưa lấy kết quả phong trào thi đua làm căn cứ để khen thưởng.

Quy định một số danh hiệu thi đua chưa bao quát hết các phong trào từ cơ sở, một số quy định về thẩm quyền xét tặng danh hiệu thi đua và khen thưởng còn thể hiện sự bất cập, không hợp lý; quy định tiêu chuẩn của một số danh hiệu thi đua chưa phù hợp; căn cứ để xét tặng là sáng kiến cũng chưa rõ ràng khó thực hiện.

Về công tác Khen thưởng: Luật có đối tượng điều chỉnh rộng liên quan đến cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân. Nhưng điều kiện, tiêu chuẩn khen thưởng theo quy định của Luật chủ yếu tập trung vào đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang; cán bộ lãnh đạo, quản lý hoạt động, công tác qua các thời kỳ, Luật hiện hành chưa bao quát, cụ thể đối tượng đông đảo quần chúng trong cả nước (công nhân, nông dân, trí thức...)...

Hơn nữa, Luật quy định thành tích đến đâu khen thưởng đến đó, nhưng các tiêu chuẩn để xuát khen thưởng theo Luật thì lại mang tính niên hạn, cộng dồn thành tích, trình tự từ thấp đến cao dẫn đến việc hiểu khen thưởng lần sau bao giờ cũng phải cao hơn lần trước, do đó xu hướng dồn lên các hình thức khen thưởng cấp bộ và cấp Nhà nước; khen thưởng nhiều cán bộ lãnh đạo, quản lý; khen thưởng tập thể nhỏ và lao động trực tiếp còn hạn chế.

Luật hiện hành quy định nhiều hình thức khen thưởng cấp nhà nước (hiện có 26 hình thức khen thưởng với 42 cấp độ khen thưởng). Trên thực tế từ khi thực hiện Luật đến nay tỷ lệ khen thưởng cấp nhà nước chưa cân đối trong từng lĩnh vực, số lượng khen thưởng nhiều nhất tập trung chủ yếu vào khen niên hạn trong lực lượng vũ trang…

Sửa đổi tiêu chuẩn Huy chương

Một trong những nội dung đáng chú ý là dự thảo Luật Thi đua, Khen thưởng (sửa đổi) dự kiến quy định: Sửa đổi tiêu chuẩn Huy chương theo hướng một loại Huy chương có thể áp dụng cho nhiều đối tượng và nhiều loại hình thành tích trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc và giữ gìn an ninh trật tự xã hội.

Bên cạnh đó, giảm một số hình thức khen thưởng Huy chương trùng lặp về tiêu chuẩn, đối tượng. Cụ thể, Phương án 1: Giảm hình thức “Huy chương Chiến sĩ vẻ vang”, chỉ để lại “Huy chương Quân kỳ quyết thắng” để tặng cho cá nhân trong lực lượng Quân đội nhân dân; và “Huy chương Vì an ninh Tổ quốc” để tặng cho cá nhân trong lực lượng Công an nhân dân.

Phương án 2: Giảm hình thức “Huy chương Quân kỳ quyết thắng”, “Huy chương Vì an ninh Tổ quốc”, chỉ để lại Huy chương “Chiến sĩ vẻ vang” để tặng cho cá nhân trong lực lượng Quân đội và Công an.

Dự luật cũng đề nghị bổ sung một số hình thức khen thưởng cho các đối tượng đặc thù. Cụ thể, bổ sung hình thức “Huân chương Tấm lòng vàng” hoặc “Huân chương Vì cộng đồng”, để tặng cho cá nhân, tổ chức có thành tích trong công tác xã hội, từ thiện.

Bổ sung hình thức “Huy chương Thanh niên xung phong kháng chiến” để tặng cho đối tượng là Thanh niên xung phong tham gia kháng chiến.

Bổ sung hình thức Bằng khen của tổng cục thuộc bộ; Đại học Quốc gia; Tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập.

Bộ Nội vụ cũng đề nghị sửa đổi tiêu chuẩn các hình thức khen thưởng cấp nhà nước theo hướng: Quy định cụ thể về tên gọi, đối tượng, tiêu chuẩn của các hình thức khen thưởng cấp Nhà nước (từ Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ trở lên); còn lại các hình thức khen thưởng của bộ, ngành, địa phương Luật chỉ quy định các nguyên tắc chung còn lại phân cấp để các bộ, ngành, địa phương trên cơ sở nguyên tắc chung của Luật, xác định đối tượng, tiêu chuẩn của các hình thức khen thưởng của bộ, ngành, địa phương cho phù hợp./.

Trường Nhật

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực