Cần quy định cụ thể trong luật việc đóng cửa rừng tự nhiên

Thứ hai, 26/06/2017 15:58
(ĐCSVN) - Tại kỳ họp thứ 3, thảo luận về Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Minh Hoàng - TP Hồ Chí Minh nên nghiên cứu kỹ việc đóng mở cửa rừng và rừng khai thác gỗ rừng tự nhiên trên phạm vi cả nước.

Đại biểu Nguyễn Minh Hoàng - TP Hồ Chí Minh

Bởi lẽ, theo đại biểu đây là việc chúng ta quán triệt và thực hiện Chỉ thị 13 của Ban bí thư trung ương Đảng. Cả nước sau 12 năm tăng diện tích rừng từ 12 triệu lên 14 triệu, từ 37% độ che phủ rừng lên 40% độ che phủ rừng. Tuy nhiên, thực tế không ai khẳng định độ che phủ rừng này cho chúng ta cách nhìn khả quan. Vì rừng giàu tài nguyên đã bị cạn kiệt và liên tục suy giảm về chất lượng và bị đe dọa cạn kiệt các động, thực vật trong rừng. Mặc dù, hệ thống quản lý bảo vệ của chúng ta đã được thiết lập từ trung ương đến cơ sở tuy nhiên tình trạng vi phạm các quy định về pháp luật như bảo vệ và phát triển rừng còn diễn ra phổ biến tại một số địa phương gây bức xúc trong xã hội đặc biệt tại các khu rừng phòng hộ, có giàu trữ lượng gỗ quý hiếm.

Một trong những nguyên nhân chính là do quy định pháp luật hiện hành của chúng ta và công tác quản lý rừng còn chồng chéo chưa thống nhất. Quá trình phân cấp, phân quyền trong quản lý rừng còn nhiều bất cập. Do vậy, đại biểu khẩn thiết đề nghị Quốc hội quy định cụ thể trong việc đóng cửa rừng tự nhiên và dừng ngay việc khai thác gỗ rừng tự nhiên trong phạm vi cả nước.

Về chủ rừng, đại biểu cho rằng, khái niệm chủ rừng trong dự thảo luật lần này so với luật hiện hành tôi thấy chưa đầy đủ về nội hàm, về việc công nhận quyền sỡ hữu sử dụng rừng, công nhận quyền sở hữu rừng là rừng sản xuất, rừng trồng cũng như chủ rừng. Để bảo đảm tính kế thừa của luật năm 2004 tôi đề nghị giữ lại khái niệm này về chủ rừng.

Về ban quản lý và các tổ chức, cá nhân được nhà nước giao có trách nhiệm phát hiện phòng chống dịch bệnh, các động thực vật có ảnh hưởng tác động xấu gây nguy hại cho rừng. Đây là điều muốn nên bổ sung trong Điều 35. Thực tế hiện nay, chúng ta phải đề phòng việc những cá nhân, tổ chức đem vào rừng những sinh vật lạ, thực vật lạ làm tiêu diệt hoặc ảnh hưởng đến chất lượng rừng, thậm chí làm hủy hoại toàn bộ khu rừng hoặc những sinh vật, động vật sống trong rừng. Do vậy, 6 điểm của nghĩa vụ chung của chủ rừng thì chúng tôi đề nghị nên bổ sung một điểm là Ban quản lý và các tổ chức cá nhân được Nhà nước giao rừng có trách nhiệm phát hiện, phòng, chống dịch bệnh, các động thực vật có ảnh hưởng xấu gây nguy hại cho rừng. Ví dụ như miền Nam có cây vông bị tuyệt chủng do dịch nấm bệnh.

Ở Điều 36 liên quan đến quyền và nghĩa vụ của chủ rừng, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cũng nên cân nhắc ở điểm này: Thứ nhất, đối với Ban quản lý rừng, là một đối tượng trong 7 đối tượng được xác định trong dự thảo luật ghi. Tuy nhiên, dù là chủ rừng đã được cấp quyền sử dụng đất rừng nhưng họ không có quyền sở hữu rừng. Nói cách khác, là chủ rừng chỉ là một khái niệm hình thức mà không có nội hàm. Rừng tự nhiên được giao cũng chỉ để quản lý và bảo vệ, không phải để sử dụng. Lưu ý hiện nay là diện tích rừng của chúng ta chiếm 33% trong tổng số 14 triệu rừng là rất lớn và đang đối mặt với nạn phá rừng và xâm lấn nhiều nhất. 

Chức năng Ban quản lý rừng hiện nay là quản lý Nhà nước nhiều hơn. Chế độ hưởng lợi từ rừng mà họ đã bỏ công quản lý, bỏ công bảo vệ là không có, không được phép góp vốn, không bảo vệ được bảo lãnh giá trị quyền sử dụng rừng cũng như các chủ rừng khác. Ngay việc hoạt động liên doanh, liên kết hoặc kinh doanh du lịch sinh thái cũng vướng nhiều bất cập. Như vậy, cùng là chủ rừng nhưng chủ rừng của các tổ chức, cá nhân, các hộ gia đình, các cộng đồng thì có quyền chủ sở hữu hoặc có quyền chủ sử dụng nhưng Ban quản lý cũng là chủ rừng lại không có những quyền này. Tôi đề nghị nên cân nhắc có nên xác định họ là chủ rừng hay không?

Vấn đề tiếp theo, xuất phát từ vị trí, vai trò của đồng bào dân tộc thiểu số và đồng bào sống ở vùng biên giới, họ có vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ và phát triển rừng. Tuy nhiên, trong thực tiễn, đời sống nhân dân tại đây, qua thống kê là còn rất nhiều khó khăn, có hơn 60% hộ nghèo. Thu nhập từ rừng của họ chỉ đảm bảo cuộc sống từ 8% - 10% trong năm với mức từ 200.000đ đến 400.000đ/ha. Do vậy, chúng ta đề nghị trong Chương III về quản lý rừng ở Điều 20, Điều 21, khi nói về giao rừng thì Ban soạn thảo cần bổ sung thêm một điểm là ưu tiên giao rừng cho đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tại chỗ hoặc bổ sung thêm các quy định về quyền, nghĩa vụ của chủ rừng, nhằm bảo đảm cho đời sống đồng bào dân tộc miền núi, biên giới có thể bảo đảm sống bằng nghề rừng có thu nhập để cải thiện được cuộc sống./.

Việt Long

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực