Cần làm rõ cơ quan thi hành án hình sự với pháp nhân thương mại phạm tội

Thứ hai, 18/06/2018 15:56
(ĐCSVN) – Đây là vấn đề được đặt ra tại cuộc họp của Hội đồng thẩm định Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự (THAHS) mới đây.

Theo Tờ trình của cơ quan chủ trì soạn thảo Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự (THAHS), Bộ luật Hình sự đã bổ sung quy định về trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại. Bởi vậy, cần sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật THAHS năm 2010 cho phù hợp. Tuy nhiên, theo cơ quan chủ trì soạn thảo, do lĩnh vực kinh doanh, hoạt động của pháp nhân thương mại rất rộng, chịu sự quản lý, cấp phép bởi nhiều cơ quan khác nhau. Đồng thời, các hình phạt và biện pháp tư pháp áp dụng đối với pháp nhân thương mại rất đa dạng, nên về cơ quan THAHS đối với pháp nhân thương mại phạm tội được Dự thảo Luật quy định theo hướng có sự kết hợp giữa cơ quan chuyên trách về THAHS và các cơ quan, tổ chức khác liên quan hoạt động của pháp nhân thương mại phạm tội.

Ảnh minh họa. Nguồn: TH.

Theo đó, Dự thảo Luật không quy định tổ chức thêm một cơ quan THAHS chuyên trách mới mà bổ sung nhiệm vụ tổ chức thi hành các hình phạt và biện pháp tư pháp áp dụng đối với pháp nhân thương mại phạm tội cho cơ quan THAHS Công an cấp tỉnh, cấp quân khu; đồng thời bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn cho cơ quan quản lý nhà nước lĩnh vực hoạt động của pháp nhân thương mại phạm tội trong thi hành các hình phạt, biện pháp tư pháp cụ thể đối với pháp nhân thương mại phạm tội.

Tại cuộc họp, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế và quản lý khoa học (Tó ) Nguyễn Văn Tùng chỉ ra Dự thảo chưa làm rõ cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp khi THAHS với pháp nhân thương mại.

 Nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - hành chính (Bộ Tư pháp) Nguyễn Quốc Việt  cho hay, khi pháp nhân thương mại bị xử phạt chủ yếu là phạt tiền nhưng chắc phạt được sẽ khó hơn cá nhân nhiều nên cần có quy định mang tính cưỡng chế. Ông Việt ví dụ, pháp luật có biện pháp khẩn cấp tạm thời áp dụng với cá nhân, thì pháp nhân cũng phải có quy định để “chặn” được ngay từ đầu.

Ông Nguyễn Hà Thanh (Vụ 2, Ban Nội chính Trung ương) băn khoăn, hoạt động pháp nhân thương mại do cơ quan quản lý nhà nước về kinh tế quản lý nhưng khi THAHS lại là hoạt động tư pháp thì nếu có giao cho cơ quan quản lý nhà nước về kinh tế liệu có hợp lý không? Trường hợp phải áp dụng biện pháp cưỡng chế bảo đảm THAHS thì cơ quan này có làm được không?. Tuy đề nghị cân nhắc kỹ nhưng ông Thanh cho rằng nên giao cho Bộ Công an chủ trì THAHS với pháp nhân thương mại. /.

Thục Quyên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực