Vì sao thực phẩm không an toàn vẫn tồn tại?

Thứ ba, 10/04/2018 16:57
(ĐCSVN) – Ai cũng sợ thực phẩm bẩn, thực phẩm không an toàn nhưng làm sao để người tiêu dùng chọn được những loại thực phẩm tốt cho sức khỏe, đáp ứng nhu cầu cuộc sống hàng ngày?. Câu hỏi đặt ra là vì sao thực phẩm không đảm bảo an toàn vẫn tồn tại, đặc biệt là tại các chợ truyền thống, các chợ tự phát?

Vấn đề an toàn thực phẩm giờ đây không còn của riêng ai. Nó là nội dung luôn nhận được sự bàn luận sôi nổi, nhất là ở các thành phố lớn như Hà Nội,TP.Hồ Chí Minh. Câu nói cửa miệng “giờ ăn cũng chết mà không ăn cũng chết” đã quá quen tai với nhiều người. Nó thể hiện sự bất lực, chấp nhận của người tiêu dùng. Vì sao vậy?

Bởi thu nhập của một số người chỉ đủ để họ phải cân nhắc và đặt tiêu chí “rẻ” lên hàng đầu; bởi bằng mắt thường, người dân khó có thể kiểm soát được thực phẩm mình đang sử dụng có đảm bảo an toàn hay không; bởi một bộ phận người tiêu dùng còn chủ quan, dễ dãi trong mua sắm thực phẩm, chưa quan tâm tới điều kiện bảo quản, nguồn gốc hàng hóa, coi thường sức khỏe và tính mạng của mình… hay bởi việc quản lý nhà nước trong vấn đề này chưa thật sự hiệu quả, các quy định pháp luật còn chồng chéo?

Thống kê của Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh, tính đến tháng 6/2017, TP.Hồ Chí Minh có 240 chợ, 201 siêu thị, 42 trung tâm thương mại và hơn 900 cửa hàng tiện lợi. Bên cạnh đó, trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh hiện có hàng trăm chợ tự phát và điểm buôn bán tự phát rải rác khắp các quận, huyện.

Thực phẩm tại các kênh bán hàng truyền thống hiện khó kiểm soát về vệ sinh, an toàn, nguồn gốc xuất xứ
(ảnh: VL)

Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý An toàn Thực phẩm của TP.Hồ Chí Minh cho biết, tại các Trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích... công tác bảo đảm an toàn thực phẩm được tiến hành thuận lợi hơn ở chợ, vì bên cạnh vai trò của quản lý nhà nước (thường xuyên kiểm tra, lấy mẫu, xử lý), còn có sự vào cuộc của bản thân doanh nghiệp với ý thức bảo vệ thương hiệu, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng.

Trên thực tế, có thể thấy, việc kiểm soát an toàn thực phẩm tại các kênh bán hàng truyền thống hiện nay dường như đang còn bị bỏ ngỏ khá nhiều, nhất là tại các chợ tự phát thì cả nguồn gốc và độ an toàn thực phẩm vẫn đang bị thả nổi. Chợ tự phát mọc lên ở những nơi có đông công nhân, sinh viên, trong khu dân cư, có khi nó được mọc ngay cạnh chợ truyền thống để "cạnh tranh". Đi qua khu vực các chợ tự phát này, chúng ta dễ nhận ra một điều là thực phẩm không đảm bảo an toàn vệ sinh, khi mà thực phẩm "chín" được bày bán lẫn lộn với thực phẩm “sống”, các sạp rau củ quả được xen lẫn với nơi giết mổ gà, vịt bốc mùi hôi thối, có khi thực phẩm thậm chí bày bán ngay dưới nền đất... Điều đó cho thấy, công tác quản lý tại các địa phương còn chưa hiệu quả, việc kiểm tra, xử lý vi phạm chưa thường xuyên, còn hình thức, chưa nghiêm minh, chưa quyết liệt. Do đó mới có tình trạng, khi có lực lượng chức năng đi kiểm tra thì người bán hàng nháo nhào bỏ chạy, khi không ai kiểm tra thì lại ngang nhiên bày bán công khai.

Tại TP.Hồ Chí Minh, bà Lan cho biết, theo phân cấp, vấn đề an toàn thực phẩm tại các chợ thuộc quyền quản lý trực tiếp của UBND quận huyện. Tuy nhiên, từ khi Thành phố thí điểm thành lập Ban Quản lý an toàn thực phẩm thì đội quản lý an toàn thực phẩm của Ban cũng được bố trí ngay tại quận, huyện, bước đầu đã có sự phối hợp, hỗ trợ với các quận, huyện. Tuy nhiên, lực lượng này cũng còn mỏng. Trong thời gian tới, công tác kiểm soát an toàn thực phẩm tại các chợ truyền thống sẽ được tăng cường hơn nữa và sẽ có những biện pháp xử lý mạnh mẽ, quyết liệt hơn.

“Chúng tôi đang nỗ lực áp dụng các tiêu chuẩn như tiểu thương phải được khám sức khoẻ; tập huấn và thi xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm; có sổ sách, hoá đơn chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hoá; quầy sạp phải bảo đảm vệ sinh, phòng cháy chữa cháy. Định kỳ và đột xuất, Đội và đoàn kiểm tra liên ngành quận sẽ thanh kiểm tra, lấy mẫu kiểm nghiệm, xứ lý vi phạm”, bà Lan cho biết.

Tuy nhiên, theo bà Lan, để loại bỏ thực phẩm bẩn, thực phẩm không an toàn, chỉ một mình lực lượng chức năng phát hiện và xử lý vi phạm thì chưa đủ. Ở đây cần sự hợp tác, ủng hộ của người dân trong việc lựa chọn tiêu thụ thực phẩm sạch; cần sự chung tay của các tiểu thương khi buôn bán những sản phẩm đảm bảo chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và cái tâm của các doanh nghiệp khi sản xuất và phân phối thực phẩm sạch.

"Đề nghị cộng đồng hãy mua thực phẩm ở địa chỉ có uy tín, hợp pháp, không mua hàng trôi nổi, kém chất lượng vì giá rẻ. Bà con hãy cân nhắc vì chi phí cho sức khoẻ mai sau còn lớn hơn rất nhiều. Đồng thời, các doanh nghiệp cần bán thực phẩm sạch với giá cả hợp lý”, bà Phạm Khánh Phong Lan khuyến cáo.

Đối với các chợ tự phát, bà Lan cho biết, UBND Thành phố đã có chỉ đạo các quận, huyện phải hạn chế và giải quyết dứt điểm vì nó hoạt động không phép, trốn thuế, ảnh hưởng mỹ quan đô thị, an toàn giao thông chứ không chỉ đơn thuần là vấn đề an toàn thực phẩm. “Ban đang phối hợp chặt chẽ với quận, huyện để giải quyết vấn nạn này”, bà Lan nhấn mạnh.

Người đứng đầu Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.Hồ Chí Minh cũng hy vọng kinh tế sẽ ngày càng phát triển, thu nhập người lao động được cải thiện hơn, tỷ lệ chi phí cho thực phẩm sẽ giảm đi, chứ như thực tế hiện nay ở nước ta chi phí này là quá cao và người dân đặc biệt là công nhân vẫn phải chọn thực phẩm theo tiêu chí đầu tiên là rẻ, nên vấn đề an toàn thực phẩm đúng là chưa được đảm bảo.

Theo nghiên cứu mới đây do Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao thực hiện cho thấy, có hơn 62% người tiêu dùng được khảo sát lo ngại về yếu tố an toàn khi chọn mua thực phẩm, nông sản tươi, bánh kẹo, đồ uống. Do vậy, xu hướng tiêu dùng hiện nay đang có sự thay đổi theo hướng giảm kênh bán lẻ truyền thống và chuyển dịch sang các kênh phân phối hiện đại như siêu thị, cửa hàng tiện ích… Nếu như kết quả khảo sát năm 2016, tỷ lệ người tiêu dùng chọn mua sản phẩm ở chợ là 31%, đến năm 2017 giảm còn 11%, sang năm 2018 giảm còn 10%. 

Chính vì thực tế này, để các chợ truyền thống có thể “đứng vững” thì cần phải có sự chuyển biến tích cực trong thời gian tới, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ. Được biết, UBND TP.Hồ Chí Minh cũng đã phê duyệt Dự án Mô hình chợ thí điểm bảo đảm an toàn thực phẩm tại TP.Hồ Chí Minh giai đoạn 2016-2020. Mục tiêu của Dự án là nhằm xây dựng mô hình chợ văn minh thương mại, đáp ứng điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm, đặc biệt chú trọng nguồn gốc, chất lượng hàng nông sản thực phẩm. Chợ Bến Thành và Hóc Môn là hai chợ đầu tiên trong Dự án, tiếp sau đó Dự án sẽ được triển khai tại 12 chợ truyền thống và kế hoạch là sau năm 2020 tất cả các chợ ở TP.Hồ Chí Minh sẽ phải đạt chợ đảm bảo an toàn thực phẩm.

VL

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực