Tìm nguyên cớ điểm thi Lịch sử thấp?

Thứ năm, 12/07/2018 22:05
(ĐCSVN) - Sáng 11/7, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) chính thức công bố điểm thi THPT quốc gia năm 2018, chiều cùng ngày công bố phổ điểm các môn thi. Điều mà thí sinh, phụ huynh và xã hội đặc biệt quan tâm là kết quả thi môn Lịch sử “thấp chưa từng có”!
Có ý kiến cho rằng học sinh không thích học môn Lịch sử vì phải ghi nhớ
nhiều sự kiện, kiến thức, khiến điểm thi Lịch sử thấp. (Ảnh minh họa: tuoitre.vn)

Điều đầu tiên mà toàn xã hội nhận thấy là kết quả kỳ thi THPT Quốc gia 2018 không còn hiện tượng “cơn mưa” điểm 10 giống kỳ thi THPT Quốc gia 2017 đối với tất cả các bộ môn, vì vậy dẫn đến số lượng thí sinh đỗ thủ khoa cũng không còn rầm rộ như năm trước. Cũng theo thống kê của Bộ GD&ĐT, trong tốp 10 thí sinh cả nước đạt điểm cao nhất không có thí sinh nào đạt điểm tuyệt đối 30 điểm.

Phổ điểm các môn thi năm nay so với năm 2017 cũng nghiêng về phía thấp, đặc biệt là môn Lịch sử, cả nước chỉ có khoảng 20% thí sinh đạt điểm trung bình trở lên. Dư luận đặt vấn đề tại sao kết quả môn Lịch sử năm nào cũng thấp, cũng đáng báo động? Có ý kiến cho rằng do giáo viên môn Lịch sử dạy học không đáp ứng được vấn đề đổi mới thi cử; cũng có ý kiến nêu học sinh không thích học môn Lịch sử vì phải ghi nhớ nhiều sự kiện, kiến thức…Theo quan điểm của cá nhân, tôi cho rằng kết quả thi môn Lịch sử thấp có những nguyên nhân sau:

Thứ nhất và là lý do quan trọng nhất, mục đích của học tập và thi cử của thí sinh đã ảnh hưởng đến kết quả và phổ điểm môn Lịch sử. Với một kỳ thi hai mục đích thì tính mục đích của thí sinh trong kỳ thi phản ánh rất rõ ràng. Những thí sinh dự thi môn Lịch sử chỉ để xét tốt nghiệp thì suy nghĩ của các em là làm thế nào chỉ qua điểm liệt (trên 1 điểm), mà trong tổ hợp KHXH, môn Địa lí các thí sinh có “cứu tinh” là Atlat địa lí làm cơ sở hỗ trợ trong quá trình làm bài, môn Giáo dục công dân học sinh ngoài việc nhớ chính xác một số điều luật thì các em có nhiều câu hỏi vận dụng tình huống và kiến thức thực tiễn, còn Lịch sử là môn “khó nhằn” nhất, không chỉ yêu cầu nắm vững kiến thức mà cần biết suy luận, vận dụng các kiến thức đã học để làm bài, nên với những đối tượng này điểm sẽ không cao. Còn những thí sinh dự thi môn Lịch sử để xét cao đẳng và đại học thì ngay từ đầu đã có sự đầu tư về thời gian, ý thức học tập nên có điểm số tốt hơn hẳn, thậm chí Lịch sử còn có số lượng điểm 10 lớn (cả nước có 11 điểm 10 môn Lịch sử, 700 thí sinh đạt điểm 9 trở lên - số liệu do ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT cung cấp).

Thứ hai, trong nhận thức của đa số học sinh khi lựa chọn môn Lịch sử làm môn dự thi THPT Quốc gia đều có suy nghĩ là học Lịch sử chỉ cần ghi nhớ những kiến thức có sẵn, không mất nhiều thời gian. Nhưng thực tế học Lịch sử cần có khả năng tư duy logic, tổng hợp, khái quát, nhận xét và đánh giá. Cách ra đề thi năm nay càng không chấp nhận những thí sinh có cách học thuộc lòng, ghi nhớ máy móc các sự kiện lịch sử. Vậy nên, do không hiểu nội dung câu hỏi yêu cầu dẫn đến không có kiến thức để xác định được đáp án đúng chứ không phải do thí sinh làm “lạc đề” như một số ý kiến đã đưa ra. Với cách hiểu và học như thế thì đề dễ cũng không làm được chứ nói gì đến đề khó để phân hóa học sinh như năm nay.

Thứ ba, do số lượng ngành nghề của các trường đại học, cao đẳng tuyển sinh trước nay đối với môn Lịch sử chưa đa dạng nên hạn chế sự lựa chọn của thí sinh vì đồng nghĩa với cơ hội làm việc sau khi ra trường không nhiều và không hấp dẫn bằng các ngành nghề khác.Năm nay nhiều trường đã mở rộng khối xét tuyển có môn Lịch sử, nhưng với đặc thù của môn học nên việc chuyển đổi của học sinh còn nhiều khó khăn.

Thứ tư, cách ra đề thi năm nay dù đã đưa ra nhiều câu hỏi nhằm đánh giá năng lực học sinh, vận dụng, mang tính phân hóa cao, nhưng thực chất cũng rất nhiều câu hỏi đánh đố học sinh theo kiểu “tung hỏa mù”. Ngay cả một số giáo viên kì cựu chuyên ôn luyện học sinh giỏi của thành phố Hà Nội sau khi làm đề thi trong thời gian 50 phút còn phải thốt lên “toát mồ hôi”. Hơn nữa giữa các mã đề thi, độ khó cũng không tương ứng nên cũng là không công bằng cho các thí sinh.

Thứ năm, môn thi Lịch sử với đặc thù của môn học, lại không phải là môn thi bắt buộc, nên từ nhà trường, gia đình, xã hội, đặc biệt là bản thân người học chưa đánh giá đúng giá trị, vị trí của môn học, thậm chí coi là môn phụ, nên không được đầu tư thời gian và tâm huyết xứng đáng. Điều đó cũng là khó khăn đối với giáo viên dạy bộ môn ở các nhà trường trong việc định hướng vai trò và vị trí và nghề nghiệp của môn học cho học sinh cũng như chỉ ra ý nghĩa của việc học Lịch sử để làm gì?

Cá nhân tôi tin rằng, nếu được đặt đúng vị trí và có cơ hội để học sinh được lựa chọn hoặc buộc phải lựa chọn thì không chỉ kết quả môn Lịch sử cao hơn rất nhiều, mà ảnh hưởng của môn Lịch sử và học sinh yêu thích môn học cũng không ít. Ví như, hiện nay đa số học sinh đều ý thức được việc bắt buộc phải học và thi 3 môn Toán, Văn, tiếng Anh, nên không chỉ học sinh mà cha mẹ học sinh đều rất chú trọng cho việc học 3 môn này. Một học sinh lớp THPT (từ thành thị đến nông thôn) trong một tuần trên lớp học 4-5 tiết Toán, học thêm 2 buổi (mỗi buổi 2 tiếng), thậm chí nhiều học sinh học thêm môn Toán ở hai nơi khác nhau, về nhà cũng dành mỗi ngày ít nhất 1 tiếng để học Toán…Với sự đầu tư như vậy, lẽ ra môn Toán phải có phổ điểm cao nhất trong tất cả các môn.

Nếu môn Lịch sử (và một số môn bị coi là môn phụ) cũng được coi trọng một cách nghiêm túc thì kết quả sẽ tốt hơn rất nhiều. Tuyệt nhiên không có chuyện giáo viên môn Lịch sử chỉ dạy theo lối cũ, không kịp thời đổi mới phương pháp dạy học để không đáp ứng hay bắt kịp với xu hướng đổi mới của đề thi (nếu có thì chỉ là con số rất ít và tồn tại ở nhiều bộ môn chứ không riêng môn Lịch sử). Càng không có chuyện học sinh vì không yêu thích môn Lịch sử mà “quay lưng” lại với môn học. Chúng ta không đổ lỗi cho giáo viên hay học sinh, mà lỗi dẫn đến kết quả của môn Lịch sử vài năm trở lại đây mang tính hệ thống nên cần có quá trình để khắc phục. Cần lắm sự nhìn nhận và đánh giá khách quan mà trước hết là các nhà quản lí và các chuyên gia đầu ngành khi thiết kế chương trình và vị trí của môn Lịch sử./.

Bùi Hà

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực