Cần ngăn chặn không để tai nạn giao thông đường sắt

Thứ tư, 30/05/2018 17:20
(ĐCSVN) – Gần đây, liên tiếp nhiều vụ tai nạn đường sắt nghiêm trọng đã diễn ra. Trước thực trạng này, việc đưa ra các giải pháp hiệu quả để ngăn chặn các vụ tai nạn này là hết sức cấp thiết.

Báo cáo của Uỷ ban An toàn Giao thông (ATGT) quốc gia nêu rõ, liên tiếp những ngày qua trên các tuyến đường sắt đã xảy ra 4 vụ tai nạn giao thông (TNGT) đường sắt nghiêm trọng làm 2 người tử vong, 11 người bị thương; nhiều đầu máy, toa xe và hàng trăm mét đường sắt bị hư hỏng nặng, gây thiệt hại hàng tỉ đồng, làm tê liệt tuyến đường sắt Bắc - Nam nhiều giờ.

Thấy gì từ những vụ TNGT đường sắt ở Việt Nam?

Hiện trường vụ tai nạn tàu hỏa nghiêm trọng xảy ra vào ngày 24/5/2018 ở Thanh Hóa
 (Ảnh: Báo Pháp luật và Xã hội)

Trong thông cáo báo chí đã phát hành, Bộ GTVT nêu ra các "nguyên nhân khách quan" dẫn tới tai nạn đường sắt, như hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường sắt còn nhiều bất cập, giao cắt đồng mức giữa đường sắt và đường bộ còn nhiều. Đặc biệt là đường ngang tự mở bất hợp pháp, các công trình vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt chưa được giải tỏa dứt điểm. Thêm nữa, về phương tiện giao thông đường sắt, hiện nay quá nhiều phương tiện sử dụng từ những năm 1960-1970 vẫn đang được khai thác trên đường sắt; nguồn vốn đầu tư cho phương tiện đóng mới đầu máy, toa xe còn hạn hẹp.

Cũng theo Bộ GTVT, ý thức chấp hành pháp luật của một số bộ phận người tham gia giao thông còn kém, nhiều vi phạm còn diễn ra khá phổ biến. Nhiều địa phương chưa tổ chức triển khai cảnh giới tại các lối đi tự mở có nguy cơ cao xảy ra tai nạn do không bố trí được nguồn kinh phí, vốn đầu tư thiếu và giải phóng mặt bằng chậm dẫn đến tiến độ thi công của một số công trình, dự án ATGT chậm, thậm chí dừng, giãn tiến độ dẫn đến việc bảo đảm an toàn giao thông đường sắt gặp nhiều khó khăn...

Về nguyên nhân chủ quan, Bộ GTVT cho rằng hiện nay vẫn còn tình trạng một số đơn vị, nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu vi phạm các quy định về bảo đảm trật tự an toàn đường sắt. Một số đơn vị đường sắt chưa chủ động tích cực trong công tác phối hợp chính quyền địa phương về thực hiện quy chế phối hợp giữa Bộ GTVT và UBND các tỉnh thành có đường sắt về đảm bảo ATGT tại các vị trí giao cắt. Công tác kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định về chạy tàu bảo đảm ATGT đối với nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu, đặc biệt là đội ngũ lái tàu, trực ban chỉ huy chạy tàu, gác chắn đường ngang đôi khi còn hạn chế, chất lượng kiểm tra chưa đạt yêu cầu thực tiễn hiện trường...

Đánh giá về các vụ TNGT đường sắt nghiêm trọng gần đây, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Uỷ ban ATGT Quốc gia cho rằng, những vụ án trên phần lớn liên quan tới nguyên nhân chủ quan, trong đó có vụ “rõ luôn nguyên nhân chủ quan từ việc thực hiện các quy trình tác nghiệp để đảm bảo an toàn đường sắt”.

Thực tế, nguyên nhân trực tiếp của một số vụ tai nạn nói trên là do hành vi của tổ chức, cá nhân ngành đường sắt vi phạm quy trình tác nghiệp tại nơi giao cắt giữa đường bộ và đường sắt, khi đón tàu, dồn tàu tại các ga; do đầu máy, toa xe không đảm bảo an toàn kĩ thuật phương tiện; 2 trong 4 vụ có liên quan đến hành vi điều khiển phương tiện đường bộ vi phạm quy định khi vượt qua giao cắt với đường sắt.

Đặc biệt, trong vụ hai tàu hàng đối đầu, ngành đường sắt không có gì để có thể bao biện, từ chối trách nhiệm, mà phải đánh giá lại toàn bộ quy trình để tìm ra được nguyên nhân và xử lý vì quy trình thì đúng nhưng quá trình giám sát thực hiện quy trình an toàn thì chưa ổn.

Trước tình trạng liên tiếp xảy ra nhiều vụ TNGT đường sắt nghiêm trọng, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Trương Hòa Bình đã có Công điện yêu cầu Bộ Giao Thông vận tải (GTVT), Bộ Công an, Ban ATGT các tỉnh, thành phố có đường sắt đi qua tăng cường các giải pháp cấp bách hạn chế TNGT đường sắt do nguyên nhân chủ quan.

Cần kiên quyết không để tai nạn giao thông đường sắt

TNGT đường sắt nghiêm trọng tại đường ngang phòng vệ bằng biển báo) khu gian Lăng Cô – Cầu Hai,
tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM (thuộc xã Lộc Tiến, H.Phù Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế). (Ảnh: Báo Thanh niên)

Thiết nghĩ, để kịp khắc phục những hạn chế nêu trên, kéo giảm TNGT đường sắt, cần nâng cao hiệu quả những giải pháp bảo đảm trật tự ATGT. Theo đó, Công điện mà Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình ký đã yêu cầu Bộ GTVT chỉ đạo các cơ quan chức năng và Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam phối hợp với các địa phương khẩn trương điều tra, làm rõ nguyên nhân, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm để xảy ra các vụ tai nạn trên và kịp thời cung cấp thông tin cho cơ quan thông tấn báo chí để tuyên truyền; tổng hợp báo cáo đầy đủ các vụ TNGT sắt từ đầu năm 2018 do nguyên nhân chủ quan gây ra; phân tích, đánh giá toàn diện, khách quan, công minh các vi phạm để rút kinh nghiệm, chấn chỉnh trong tổ chức thực hiện và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân để xảy ra sai phạm.

Đồng thời rà soát các quy định pháp luật, các quy trình, quy phạm về công tác tổ chức chạy tàu hiện có để điều chỉnh, bổ sung chặt chẽ hơn, quy định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu để xảy ra tai nạn đường sắt do chủ quan. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định, quy trình chạy tàu của công nhân viên, lái tàu ngành đường sắt. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác tổ chức chạy tàu và công tác kiểm tra, giám sát.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cũng yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương có đường sắt đi qua khẩn trương điều tra, xác minh và tiến hành các thủ tục pháp lý cần thiết để xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định pháp luật gây ra các vụ TNGT đường sắt; tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm hành vi vi phạm trật tự ATGT, đường sắt, đặc biệt là các vi phạm trong công tác chạy tàu của nhân viên ngành đường sắt.

Bên cạnh đó, Ban ATGT tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có đường sắt đi qua tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 21/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý, lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt; phối hợp với các đoàn thể chính trị xã hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến đến cấp cơ sở, khu dân cư Luật Giao thông đường bộ, Luật Đường sắt, nhất là các quy tắc giao thông đường bộ khi vượt qua đường sắt; phát huy và nhân rộng các mô hình tự quản trong bảo đảm trật tự ATGT đường sắt; phối hợp chặt chẽ với Bộ GTVT, Tổng Công ty đường sắt Việt Nam trong việc khắc phục hậu quả các vụ TNGT đường sắt.

Bản thân Bộ GTVT cũng đã cam kết sẽ nghiêm túc rút kinh nghiệm sau các vụ tai nạn liên tiếp trên đồng thời yêu cầu Tổng công ty Đường sắt Việt Nam "nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm" của cá nhân, tổ chức có liên quan. Trong đó, sẽ xử lý nghiêm người đứng đầu các đơn vị trực thuộc, người đại diện phần vốn của Tổng công ty tại các đơn vị để xảy ra mất an toàn giao thông đường sắt do nguyên nhân chủ quan gây ra. Bộ cũng yêu cầu rà soát toàn diện các quy trình tác nghiệp đón, tiễn tàu của nhân viên gác chắn đường ngang và các chức danh nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu có liên quan; rà soát lại hệ thống hạ tầng, thông tin tín hiệu, trang thiết bị liên quan đến công tác tổ chức chạy tàu./.

Hà Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực