TẾT MÌNH CÓ NHỚ QUÊ

Thứ ba, 19/02/2019 16:52
(ĐCSVN) - Bao ký ức bắt đầu dội về thanh trong từ mảnh làng, giếng nước, sân đình... Hình ảnh lớn lao về dãy núi Ba Vì hùng vĩ của quê hương đất nước cũng được tác giả gọi tên và phác họa nên tất cả qua bài thơ "Tết mình có nhớ quê" của nhà thơ Ngô S.Đồng Toản.

Hà Nội mình Tết rồi mưa Xuân không em

Trời có hơi lạnh làm má em ửng đỏ?

Em hỏi anh đi xa nhớ quê nhà chăng đó

Ôi lời dịu ngọt làm lòng nghe bâng khuâng…

 

Ta thoáng mơ về một góc thanh trong

Mảnh làng quê xưa giếng nước sân đình

Triền núi ấy nơi Ba Vì thiêng thẳm

Âm thầm mẹ lòng mở rộng chờ con

 

Rồi bao giờ chị lại cấy mạ non?

Đồng lại xanh chẳng bỏ hoang cỏ lớn

Sông Đáy đầy, cát bồi nuôi dâu bãi

Đời biến thiên, còn một cõi đi về…  


Ảnh minh họa. (Nguồn: baotainguyenmoitruong)

Tác giả Ngô S. Đồng Toản tên thật là Nguyễn Đức Toản, sinh ngày 15/9/1974, người gốc Đan Phượng – Hà Nội. Những bài thơ do Ngô S. Đồng Toản sáng tác thường là những cảm xúc chân thực, đời thường. Thơ ông lấy cảm hứng từ lá cây, ngọn cỏ quê nhà, từ áng mây chiều bảng lảng, giọt sương mai nhẹ long trên cành lá...

Mùa Xuân về mang lại bao cảm xúc không chỉ đối với những người con trên đất nước, quê hương mình, mà cả đối với những người con xa xứ, những kiều bào ta ở nước ngoài. Xốn xang, khắc khoải và có niềm se sắt trong tâm hồn mỗi người dân Việt xa quê khi mỗi dịp Tết đến Xuân về là cảm xúc chung. “Tết mình có nhớ quê”, người đọc còn cảm nhận một chút hoài cổ, nuối tiếc về Tết cổ truyền xưa.

Bài thơ là nỗi nhớ quê hương, đất nước của một người con xa xứ dịp Tết đến Xuân về. Nhân vật trữ tình nhớ đến hạt mưa Xuân nơi quê nhà, với chút se lạnh đôi khi làm cho má cô gái ửng đỏ:

“Hà Nội mình Tết rồi mưa Xuân không em

Trời có hơi lạnh làm má em ửng đỏ?”

Khi được nghe cô gái hỏi một điều rất giản dị: “Em hỏi anh đi xa nhớ quê nhà chăng đó” thì lòng tác giả xốn xang niềm bồi hồi nỗi nhớ. Câu hỏi bình thường ấy như có một luồng sáng, thổi vào tim người thi sĩ đúng thời điểm, đất trời quê hương vào thời khắc giao hòa nên tác giả cảm thấy lòng mình lâng lâng từ lời nói dịu ngọt của cô gái Hà Thành.

“Ta thoáng mơ về một góc thanh trong

Mảnh làng quê xưa giếng nước sân đình

Triền núi ấy nơi Ba Vì thiêng thẳm

Âm thầm mẹ lòng mở rộng chờ con”.

Từ vùng núi Ba Vì thiêng thẳm ấy, tác giả tại dẫn độc giả đi về tới dòng sông Đáy với bãi cát bồi, bãi dâu xanh. Cánh đồng quê với những đóm mạ non, được các chị nhanh tay cấy vội để đón Tết cũng được tác giả nhớ đến và gợi tả:

 “Rồi bao giờ chị lại cấy mạ non?

Đồng lại xanh chẳng bỏ hoang cỏ lớn

Sông Đáy đầy, cát bồi nuôi dâu bãi...”

Đây là những hình ảnh hết sức quen thuộc của người nông dân vùng Đồng Bằng Bắc Bộ. Các mẹ, các chị vẫn nhổ mạ non, vẫn nhanh tay đi cấy cho xong để kịp Tết Nguyên Đán, dòng sông Đáy vẫn ngày ngày bên lở bên bồi, người nông dân không trồng dâu thì lại trồng ngô, trồng khoai...mùa nào thức nấy. Những hình ảnh bình dị về cuộc sống đời thường ấy lại trở thành nỗi nhớ khi những người con xa xứ hồi tưởng về mỗi dịp Tết dân tộc cận kề. Và câu kết như nhắn nhủ nội tâm tác giả, một lòng hướng về quê nhà “Đời biến thiên, còn một cõi đi về…”. Đây là lời tác giả nhưng trong đó cũng như ẩn dụ về một tâm niệm của những người con đi xa quê hương, xa đất nước. Dù cuộc đời có biến thiên, nghiêng ngả thế nào thì đất mẹ vẫn là nơi, là “cõi” để những đứa con đi về.

Bài thơ tuy không mới về thể loại, phong cách nhưng nó đủ để lột tả tâm trạng thi nhân, cũng đủ thấm vào tâm hồn từng độc giả để cảm nhận trong lòng mình man mác, hoài cổ, nhớ nhung... khi mùa Xuân đến.

Lời bình: Thanh Xuân
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực