Chợ phiên cuối năm vùng cao Hà Giang

Thứ hai, 12/02/2018 11:21
(ĐCSVN) - Chợ phiên cuối năm vùng cao Hà Giang mang một không gian văn hoá đậm nét nhân văn bởi lẽ mỗi dân tộc có một nét văn hoá đặc sắc riêng và nét đẹp văn hoá ấy được đồng bào nơi đây mang theo đến chợ. Tất cả đã hun đúc, tôn vinh cho vẻ đẹp, sức sống con người vùng cao.

Gặp gỡ cuối năm bên chén rượu ngô đầy cảm xúc. -Ảnh VM

Cứ mỗi độ xuân về, trên vùng cao biên giới của Hà Giang, chúng ta lại có dịp đến với chợ phiên cuối năm vùng cao nhất là những ngày 26 - 27 âm lịch, để thưởng thức ngắm nhìn không gian văn hoá đầy màu sắc cuốn hút, chiêm ngưỡng vẻ đẹp huyền bí của chợ vùng cao. Các phiên chợ vùng cao đã ăn sâu vào tiềm thức nếp nghĩ, nếp sống của người dân bản xứ, cũng như bất cứ du khách nào đến thăm Hà Giang.

Chợ phiên vùng cao ở Đồng Văn (Hà Giang) là một ví dụ, mỗi tuần họp một lần. Có phiên chợ được họp vào ngày con giáp hay còn gọi là chợ lùi, chẳng hạn chợ trước họp vào chủ nhật thì sang tuần kế tiếp sẽ họp vào thứ hai như: chợ Lũng Phìn được họp vào ngày Dần và ngày Thân, chợ Xà Phìn (Đồng Văn) họp vào ngày Tỵ và ngày Hợi…Ngày nay, chợ thường họp vào thứ bảy hoặc chủ nhật và bắt đầu từ rất sớm lúc mặt trời còn chưa mọc.

Đến với chợ thị trấn Đồng Văn, (Hà Giang) phiên chợ cuối năm những ngày cận kề giáp Tết Mậu Tuất ta thấy nhộn nhịp đông vui đủ sắc màu. Bất chấp cái rét buốt lạnh vùng cao, từ rạng sáng, đồng bào ở lưng chừng núi, lưng chừng đồi xuống chợ từ sớm, làm náo nhiệt cả một vùng vốn ngày thường vắng lặng... Ai cũng muốn mua nhanh bán sớm để gặp mặt bạn bè người thân, sắm sửa đồ Tết. Tiếng bước chân người nhộn nhịp, những tiếng nói cười vang vọng, đối đáp vội vàng của người đi chợ. Tiếng kêu của lợn, dê, bò, tiếng guốc ngựa, guốc trâu, xe kéo lọc cọc đổ về. Tất cả những âm thanh hòa vào nhau tạo nên một không khí rất riêng của phiên chợ Đồng Văn.

Mỗi dân tộc có một nét đặc trưng riêng và nét đẹp đó được người đồng bào vùng cao mang đến chợ. Đến với chợ vùng cao, du khách sẽ được đắm mình trong không gian sắc màu của quần áo thổ cẩm, những thiếu nữ dân tộc Tày, Nùng, Mông, Dao, Lô lô… xinh tươi trong bộ trang phục truyền thống, cùng với hàng hoá tạo nên sự huyền ảo nhiều màu sắc, không khí vui tươi cho ngày chợ. Sản phẩm của địa phương được bày bán trao đổi ở chợ là sự kết tinh trong lao động, sự cần cù của người dân vùng cao vượt qua nhiều khó khăn, gian khổ để làm ra những sản phẩm độc đáo, nét văn hoá của mỗi dân tộc như: Hàng vải lanh, khăn thổ cẩm, hàng ẩm thực, nhạc cụ truyền thống (khèn Mông)… Người đến chợ mang nhiều mục đích khác nhau: Trao đổi hàng hoá, tâm tình sau những ngày lao động vất vả, các chàng trai, cô gái đi nương gặp nhau bén duyên thầm nhớ để rồi hẹn nhau xuống chợ để tâm tình …Tất cả hoà hợp tạo lên vẻ đẹp đặc sắc của phiên chợ vùng cao mà chỉ có nơi đây mới có.

Đến phiên chợ bắt gặp những nồi thắng cố sôi sùng sục bốc khói nghi ngút mà cồn cào ruột gan chỉ muốn thưởng thức ngay. Những người đi chợ cùng nhau quây quần xung quanh hả hê với chén rượu nồng. Thức ăn mang từ nhà đi cũng được bày bán. Mọi người cùng uống rượu, hả hê tâm sự sau những ngày lao động vất vả, say cái tình cái nghĩa...

Phụ nữ người Mông không thể bỏ qua các gian hàng quần áo truyền thống.- Ảnh VM

Là phiên chợ cuối năm nên phụ nữ vùng cao không thể bỏ qua các gian hàng quần áo truyền thống. Cùng gia đình đi chợ từ rất sớm, chị Sùng Thị Mỷ (xã Ma Lé, huyện Đồng Văn) háo hức cho biết: “Tết năm nay, nhà mình ăn Tết to, có mổ lợn và rượu. Hôm nay, mình đi chợ sớm, tranh thủ chọn bộ váy đẹp nhất để trưng diện Tết”.

Những bộ váy rực rỡ sắc màu, những lời nói, nụ cười duyên cùng với những tiếng khèn điêu luyện đầy quyến luyến… Và cũng từ những phiên chợ này, nhiều đôi trai gái đã nên vợ nên chồng. Phiên chợ cuối năm cũng đã trở thành nỗi khắc khoải đợi chờ của những người bạn, người anh em hò hẹn và rồi trong men rượu, bắt gặp những người vợ thuỷ chung cầm ô che nắng cho người chồng vui quá chén với bạn bè, cho tới khi người chồng tỉnh để cùng nhau dắt ra về.

Trao đổi với Vàng Vản Lầu, người dân tộc Mông tại xã Lũng Táo (Đồng Văn), anh cho hay: “Đồng bào mình đi chợ phiên giáp Tết thường tìm mua sắm quần áo, vàng hương, rượu thịt. Nhà mình đã chuẩn bị sẵn rồi. Hôm nay, mình xuống chợ uống rượu, gặp gỡ giao lưu kết bạn”.

Phiên chợ cuối năm ở thị trấn Đồng Văn thì khu đông vui náo nhiệt nhất và tan muộn nhất vẫn là khu vực ăn uống. Không chỉ đàn ông mà cả đàn bà cũng có mặt tại đây. Bên chén rượu thơm mùi ngô, ông Vừ Mí Cấu (xã Lũng Táo, huyện Đồng Văn) tâm sự:  “Sau một năm lao động vất vả, hôm nay mình đi chợ Tết không bán gì cả. Hẹn gặp bạn bè uống rượu hàn huyên vui vẻ phiên chợ cuối năm, hỏi thăm nhau và nói về những chuyện đã làm được và dự định tương lai”.

Phiên chợ ngày càng về chiều mọi người hối hả mua sắm những đồ vật cho ngày Tết. Bên bàn rượu, những người đàn ông vui bạn vui bè với những chén rượu ngô thơm lừng kết tinh từ hương trời, gió núi làm cho cuộc vui cuối năm của họ càng thêm nồng âm. Và bên cạnh họ, những người vợ che ô đợi dìu chồng về, thể hiện tình yêu và sức sống mãnh liệt của con người nơi đây...

PV
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực