Từ 1/6/2018, ngành BHXH thực hiện văn bản điện tử thay thế văn bản giấy

Thứ ba, 17/04/2018 14:50
(ĐCSVN) - Bắt đầu từ ngày 1/6/2018, toàn ngành Bảo hiểm xã hội sẽ thực hiện văn bản điện tử thay thế văn bản giấy đối với một số danh mục văn bản do Văn phòng Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam quy định, đồng thời nghiên cứu rút ngắn thời gian xử lý văn bản chỉ còn từ 2-5 ngày.

Đó là chỉ đạo của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh tại Hội nghị đánh giá việc triển khai Hệ thống quản lý văn bản và điều hành; triển khai nghiên cứu ứng dụng cách mạng công nghệ 4.0 trong phát triển và đổi mới ngành BHXH do BHXH Việt Nam tổ chức ngày 16/4, tại Hà Nội.

Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh chủ trì Hội nghị ngày 16/4. Ảnh: HA

Thực hiện Công văn số 4755/BHXH-KHĐT ngày 15/1/2016 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, Văn phòng BHXH Việt Nam đã phối hợp với các đơn vị liên quan phát triển và hoàn thiện các cấu phần của dự án phần mềm quản lý văn bản điều hành. Đồng thời, tham mưu cho lãnh đạo Ngành tổ chức Hội nghị tập huấn cho các đơn vị trực thuộc và BHXH các tỉnh, thành phố; chỉ đạo các đơn vị và BHXH các tỉnh, thành phố thực hiện thí điểm và triển khai từng mảng công việc chuyên môn.

Tính đến hết tháng 3/2018, toàn bộ các văn bản thông tin, chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ của Ngành đã được số hoá để chuyển cho các đơn vị trực thuộc và BHXH các tỉnh, thành phố; kèm theo văn bản giấy được gửi sau 2 ngày, từng bước chuyển dần xử lý văn bản giấy sang văn bản điện tử.

Từ ngày 1/6/2017 đến nay, BHXH Việt Nam đã tiếp nhận và phát hành 42.393 văn bản, trong đó có 34.278 văn bản đến và 8.115 văn bản đi. Đồng thời, thực hiện phân công nhiệm vụ cho CCVC chịu trách nhiệm quản lý Hệ thống quản lý văn bản và điều hành tại các đơn vị. Bên cạnh đó, thực hiện một số văn bản phát hành sử dụng chữ ký số chuyên dùng như: Giấy mời, Thông báo, Giấy triệu tập… Về cơ bản, những kiến nghị của các đơn vị trực thuộc Ngành đã được đơn vị phát triển phần mềm hiệu chỉnh, khắc phục kịp thời.

Để triển khai hiệu quả hơn nữa Hệ thống quản lý văn bản và điều hành, trong thời gian tới, Văn phòng BHXH Việt Nam sẽ tiếp tục tham mưu trình lãnh đạo Ngành ban hành quyết định đưa phần mềm quản lý văn bản và điều hành vào sử dụng; ban hành quy định tạm thời hướng dẫn các đơn vị sử dụng phần mềm quản lý văn bản và điều hành. Đồng thời, phối hợp với đơn vị phát triển phần mềm đôn đốc, hướng dẫn, hỗ trợ xử lý vướng mắc cho các đơn vị trực thuộc và BHXH các tỉnh, thành phố.

Đồng thời, kiến nghị giao Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc chịu trách nhiệm triển khai phần mềm; xử lý các văn bản đi, đến; quản lý, theo dõi công việc của đơn vị. Đặc biệt, Trung tâm CNTT có trách nhiệm phối hợp với các đơn vị liên quan cài đặt, hướng dẫn sử dụng, kịp thời cập nhật chức danh trên chữ ký số phục vụ cho công việc theo chức năng, nhiệm vụ đã được giao. Phối hợp với Ban Cơ yếu Chính phủ tiếp tục cung cấp chữ ký số cho cán bộ cấp Phó Trưởng phòng, Phó Giám đốc BHXH cấp huyện. Các đơn vị phát triển phần mềm tiếp tục hoàn thiện, xử lý các tồn tại, vướng mắc của phần mềm. Tiếp tục tập huấn, hướng dẫn các cá nhân, đơn vị sử dụng chữ ký số, xử lý, soạn thảo, trình ký, phát hành văn bản điện tử.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã trao đổi về sự cần thiết và một số giải pháp ứng dụng cách mạng công nghệ 4.0 trong phát triển chính phủ điện tử Ngành BHXH như xây dựng robot tự động trả lời hỏi đáp của người dân, đơn vị sử dụng lao động; xây dựng hệ thống robot phục vụ cải cách hành chính; thiết kế các hệ thống robot sử dụng trí tuệ nhân tạo (Al), phân tích dự liệu lớn (Bigdata) phục vụ cho các hoạt động của ngành, đặc biệt là hỗ trợ cho việc giám định BHYT, công tác thanh tra, kiểm tra... 

Phát biểu kết luận Hội nghị , Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh yêu cầu toàn Ngành thực hiện văn bản điện tử thay thế văn bản giấy bắt đầu từ ngày 1/6/2018 đối với một số danh mục văn bản do Văn phòng BHXH Việt Nam quy định; nghiên cứu rút ngắn thời gian xử lý văn bản chỉ còn từ 2-5 ngày; tiếp tục tăng cường đào tạo tập huấn sử dụng chữ ký số; phân cấp rõ quyền và trách nhiệm của từng cá nhân trong việc sử dụng phần mềm quản lý nghiệp vụ, đảm bảo minh bạch thông tin và bảo mật thông tin. Đồng thời, Trung tâm CNTT phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ liên quan sớm nghiên cứu đề án ứng dụng cách mạng 4.0 vào thực tiễn nhằm giải phóng sức lao động, cải cách thủ tục hành chính, tạo sự thuận lợi, hài lòng cho người dân và doanh nghiệp./.

Hà An

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực