Cần có phương án khả thi quản lý quỹ bảo hiểm y tế

Thứ tư, 08/11/2017 16:46
(ĐCSVN) – Cần phải tính toán thật kỹ các giải pháp trong thời gian tới, có phương án khả thi, không thể cứ để thâm hụt, không có giải pháp phục vụ tốt cho người dân trong việc quản lý quỹ bảo hiểm y tế, tạo sự tin tưởng trong nhân dân.
Ảnh minh họa: Tú Anh
Đó là đề xuất của đại biểu Tôn Ngọc Hạnh (Bình Phước) tại phiên thảo luận ở hội trường Quốc hội về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước.

Theo đại biểu Tôn Ngọc Hạnh (Bình Phước), theo báo cáo đánh giá của Chính phủ, chỉ tiêu bảo hiểm y tế  đạt và vượt cao, đưa tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế ước đạt 84,1%. Nhưng tôi cho rằng cần làm rõ tính bền vững của chỉ tiêu này, vì thực tế một số địa phương vượt chỉ tiêu do ngân sách bố trí mua thẻ là chủ yếu. Ngân sách nhà nước bố trí mua thẻ cho các đối tượng theo quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều 12 Luật Bảo hiểm y tế và Nghị định 105 của Chính phủ là chiếm đến 65% số người tham gia bảo hiểm y tế, chiếm hơn 36% tổng nguồn thu của bảo hiểm y tế, ước là 12.500 tỷ.

Hiện nay, việc nợ bảo hiểm y tế còn hơn 3.000 tỷ, quỹ bảo hiểm y tế trong năm tiếp tục thâm hụt khoảng 12.500 tỷ. Để đảm bảo giữ vững chỉ tiêu và mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm y tế, nếu sử dụng các giải pháp và phương pháp truyền thống trước đây thì rất khó thành công trước sự cạnh tranh ngày càng gay gắt và quyết liệt hơn của các loại hình bảo hiểm thương mại. “Mặc dù chúng ta còn khoảng 16% dân số chưa tham gia. Theo luật định là bắt buộc tham gia, nhưng thực tế, tổ chức triển khai còn nhiều khó khăn. Về mặt cơ chế, vấn đề xử lý nếu không chấp hành thực tế vẫn chưa xử lý được ai. Vẫn còn 2,2 triệu học sinh, sinh viên chưa tham gia bảo hiểm y tế bắt buộc thuộc nhóm 4 theo quy định của Luật” đại biểu cho biết.

Đại biểu Tôn Ngọc Hạnh cũng cho biết:  “Từ thực tế cuộc sống và mong muốn của cử tri Bình Phước cho con em tham gia bảo hiểm y tế nhưng theo hộ gia đình. Tôi mong ngành bảo hiểm xã hội nên nghiên cứu đề xuất để giải quyết tốt kiến nghị này của cử tri. Có thể tham gia bảo hiểm y tế thuận lợi hơn ở gia đình hoặc ở nhà trường đều có thể tham gia để nâng tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế và nâng số lượng các em học sinh, sinh viên tham gia bảo hiểm y tế trong thời gian tới”.

Đại biểu cho hay, qua nghiên cứu kinh nghiệm Singapore có phương pháp thu hút người dân tham gia bảo hiểm y tế cũng khá đặc biệt. Họ phân loại 3 định mức sử dụng thẻ bảo hiểm y tế: Mức thấp, mức vừa, mức cao. Từng mức đóng góp của người dân được chia thành 3 nguồn để phục vụ cho chính người dân ở các cấp độ trong khám chữa bệnh. Người dân cảm thấy có quyền lợi tốt sẽ tự nguyện tham gia. Tổng Bí thư vừa ký ban hành Nghị quyết 20 về tăng cường công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân và xác định bảo hiểm y tế là giải pháp cơ bản trong chăm sóc sức khỏe nhân dân. Đây là căn cứ quan trọng để Chính phủ và các bộ, ngành nhanh chóng, khẩn trương cụ thể hóa vào chương trình, đặc biệt là nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội năm 2018.

Qua đó, đại biểu đề xuất bảo hiểm xã hội cần cải tổ, đổi mới phương pháp phục vụ nhân dân, ngành y tế, bảo hiểm xã hội phải khắc phục những hạn chế và thống nhất quan điểm trong khám chữa bệnh bằng thẻ bảo hiểm y tế. Nhanh chóng ban hành gói dịch vụ y tế cơ bản và đồng chi trả để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân.

Theo đại biểu Tôn Ngọc Hạnh, theo chỉ đạo của Chính phủ sẽ điều trị bệnh cho đối tượng này thông qua bảo hiểm y tế. Nhưng hiện nay chỉ 76% đối tượng có thẻ bảo hiểm y tế. Theo quy định đối tượng bị nhiễm HIV/AIDS không thuộc đối tượng ngân sách nhà nước hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế, mà giao cho chính quyền địa phương ở các địa phương chủ động vận động xã hội hóa ủng hộ đối tượng. Nhưng thực tế công tác xã hội hóa để giúp đỡ đối tượng HIV/AIDS cũng không thuận lợi bởi các định kiến xã hội cũng rất gay gắt đối với đối tượng này.Bởi vậy, đại biểu đề xuất Chính phủ quan tâm tiến hành sơ kết, tổng kết việc thực hiện Luật phòng chống HIV/AIDS để tiến tới sửa Luật trong thời gian tới./.

Khánh Thi

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực