“Cần sử dụng hợp lý nguồn quỹ bảo hiểm y tế”

Thứ năm, 09/11/2017 14:05
(ĐCSVN) – Đó là đề xuất của đại biểu Lê Văn Sỹ (Thanh Hóa) tại phiên thảo luận tại Hội trường Quốc hội về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017.
 

Đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị). Ảnh: Thụy Du

Cho ý kiến về việc sử dụng hợp lý nguồn quỹ bảo hiểm y tế, đại biểu Lê Văn Sỹ cho biết, trong bối cảnh hiện nay, việc gia tăng chi phí khám chữa bệnh là do thay đổi về chính sách hướng đến có lợi cho người bệnh và tạo điều kiện để cơ sở khám chữa bệnh nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh mỗi ngày một tốt hơn.  “Cần xem đây như một yếu tố của sự phát triển chứ không phải đơn giản chỉ xem là nguy cơ vỡ quỹ để dẫn đến giải pháp không phù hợp với thực tế, hạn chế quyền lợi và khó khăn cho cơ sở khám, chữa bệnh”, đại biểu nói.

Lý giải về nguyên nhân dẫn đến bội chi quỹ bảo hiểm y tế, đại biểu cho biết, do mức đóng thấp, có hạn nhưng mức hưởng lại rất vô hạn, tăng giá dịch vụ y tế theo lộ trình, giá dịch vụ y tế theo giá thị trường, tăng số lượng người tham gia bảo hiểm y tế lên tới 83%, chất lượng dịch vụ y tế chất cao tăng cả từ tuyến huyện đến tuyến Trung ương. Mức hưởng của người tham gia Bảo hiểm y tế được mở rộng nhiều hơn so với trước, ý thức chăm sóc sức khỏe và tự chăm sóc sức khỏe người dân mỗi ngày một tốt hơn, người dân chăm lo sức khỏe, đi khám, chữa bệnh sớm hơn và đều đặn hơn, thay đổi mô hình bệnh tật rất đáng kể, các bệnh truyền nhiễm giảm, các bệnh không lây nhiễm xu hướng ngày một gia tăng như bệnh lý tim mạch, chuyển hóa, ung thư v.v... làm gia tăng chi phí khám, chữa bệnh hàng năm.

Để khắc phục tình trạng trên, đại biểu đề xuất sử dụng hợp lý nguồn quỹ bảo hiểm y tế. Quỹ bảo hiểm y tế phải đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe tốt nhất cho người dân, người tham gia bảo hiểm y tế. “Tình trạng dư quỹ bảo hiểm y tế trong những năm qua chứng tỏ sự vận hành của quỹ chưa hiệu quả, quyền lợi người bệnh chưa được đảm bảo, có thể do hạn chế quyền lợi do thủ tục hành chính, do khả năng tiếp cận của hệ thống cung cấp dịch vụ cho người dân, người dân còn phải chi nhiều tiền từ túi tiền của mình cho chăm sóc sức khỏe”, đại biểu cho hay.

Đồng quan điểm trên, ở một khía cạnh khác đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) lại cho rằng, chưa bao giờ chính sách pháp luật về bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội được quan tâm thực hiện và đạt được nhiều kết quả tích cực như trong thời gian vừa qua. “Tuy nhiên, dường như chúng ta chưa chuẩn bị sẵn sàng cho việc thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm y tế năm 2014 nên đã xuất hiện quá nhiều sự bất cập trong lĩnh vực này”, đại biểu cho biết.

Cũng theo đại biểu Hoàng Đức Thắng, nợ đọng bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bội chi lạm dụng, trục lợi, vướng mắc bất cập trong quản lý sử dụng thanh toán quỹ bảo hiểm y tế đang là vấn đề nóng. Chính phủ cần khẩn trương có giải pháp tháo gỡ tích cực.

Đại biểu đề nghị cần đưa tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp vào hệ thống chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm. Bởi nếu không có giải pháp quyết liệt thì mục tiêu này đến năm 2020 50% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm xã hội và 30% tham gia bảo hiểm thất nghiệp là rất khó khả thi./.

Khôi Nguyên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực