Phải xắn tay hành động!

Thứ tư, 13/12/2017 00:19
(ĐCSVN) – Thấy trẻ em bị bạo hành, ai cũng đau lòng, nhưng điều đó sẽ là vô nghĩa nếu như tất cả không biến thành hành động!

Bảo vệ trẻ em là trách nhiệm của toàn xã hội. (Ảnh minh họa: KS)

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã dành nhiều sự quan tâm tới việc phòng, chống bạo lực trẻ em.

Xin nhấn mạnh, Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở châu Á và thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em vào ngày 20/2/1990 mà không bảo lưu bất cứ một điều khoản nào. Công ước Quyền trẻ em là một văn kiện quốc tế mang tính nhân văn sâu sắc.

Kể từ đó tới nay, hệ thống pháp luật quy định việc thực thi quyền trẻ em ở Việt Nam liên tục được bổ sung, sửa đổi và hoàn thiện, từ văn bản có giá trị pháp lý cao nhất là Hiến pháp năm 2013 và Luật Trẻ em năm 2016. Đến nay, các văn bản hướng dẫn thi hành đã cơ bản đồng bộ.

Thế nhưng bạo lực thân thể trẻ em vẫn đang là vấn đề bức xúc của toàn xã hội. Liên tiếp trong những ngày cuối tháng 11 và đầu tháng 12 này, nhiều vụ bạo hành trẻ em vượt ngoài sức tưởng tượng diễn ra trên khắp cả nước được báo chí lên tiếng. Đó là vụ cháu gái 7 tuổi, xã Vĩnh Hoà Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang nghi bị cha ruột và mẹ kế bạo hành dí sắt nung vào người; vụ người giúp việc có hành vi bạo hành "tung hứng" bé gái 2 tháng tuổi ở Phủ Lý, tỉnh Hà Nam; hành vi đánh đập trẻ em của bảo mẫu lớp mầm non Mầm Xanh tại phường Hiệp Thành, quận 12, TP Hồ Chí Minh; vụ bé gái 20 ngày tuổi nghi bị bà nội sát hại do mê tín dị đoan ở thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hoá; vụ cháu gái 16 tuổi ở xã Hợp Tiến, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội nghi bị anh rể họ xâm hại tình dục hơn một năm không dám lên tiếng; cháu bé 10 tuổi ở ngay giữa thủ đô Hà Nội bị bố đẻ và mẹ kế dùng nhiều hình thức bạo hành dẫn đến gãy xương sườn, rạn hộp sọ...

Đây mới là những vụ việc “nổi tiếng” vừa được báo chí phơi bày. Còn theo báo cáo của Bộ Công an, mỗi năm cả nước xảy ra 3.000-4.000 vụ bạo lực trẻ em. Song nhiều chuyên gia cho rằng con số này chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Trên thực tế, rất nhiều vụ việc bạo hành đã không được biết đến. Ở đâu đó, vẫn còn những người cha, người mẹ vẫn có những cô giáo, bảo mẫu... bạo hành trẻ em nhưng chưa bị phanh phui. Cũng do sự im lặng của gia đình nạn nhân, của cộng đồng, của cơ quan chức năng... đã khiến nhiều vụ bạo lực, xâm hại trẻ em không bị phơi bày ra ánh sáng.

Có một điều được coi là mẫu số chung và rất đáng bàn trong các vụ việc bạo lực với trẻ em. Đó là trẻ em bị bạo lực, xâm hại ngay trong môi trường tưởng như là “nơi an toàn nhất”: gia đình và trường học. Hơn nữa, phần lớn người “thượng cẳng tay, hạ cẳng chân” với trẻ lại là người thân trong gia đình, giáo viên, bảo mẫu.

Câu hỏi đặt ra là chúng ta đã có một hành lang pháp lý, chính sách để bảo vệ trẻ em nhưng tại sao lại không bảo vệ trẻ em trước xâm hại, bạo hành? Giải mã tình trạng trên, các chuyên gia chỉ ra nhiều nguyên nhân: pháp luật về bảo vệ trẻ em còn nhiều khoảng trống; việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật về bảo vệ trẻ em chưa tốt; nhiều gia đình còn có quan điểm “yêu cho roi cho vọt” đối với con; công tác kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng trong công tác bảo vệ trẻ em chưa thường xuyên nên không phát hiện ra vi phạm để kịp thời chấn chỉnh...

Dù bởi nguyên nhân gì đi nữa thì bạo hành trẻ em cũng là hành động không thể chấp nhận được. Đánh trẻ không chỉ vi phạm chuẩn mực đạo đức mà còn là hành vi vi phạm pháp luật. Sau những trận đòn, những cái tát, nếu như sự đau đớn thể xác có thể lành thì nỗi đau tinh thần sẽ theo trẻ suốt cuộc đời. Các chuyên gia tâm lý đặc biệt lo ngại, khi một đứa trẻ ở độ tuổi mầm non bị hành hạ dã man trong một thời gian dài thì di chứng sẽ bị ảnh hưởng trầm trọng, tác động tiêu cực đến tâm lý, hành vi và gây tổn hại về thể xác, tinh thần kéo dài, thậm chí đến suốt đời.

Thấy trẻ em bị bạo hành, ai cũng đau lòng, nhưng điều đó sẽ là vô nghĩa nếu như tất cả không biến thành hành động.

Sau những vụ việc ồn ào cơ quan công an đã vào cuộc, điều tra, khởi tố; chính quyền và ngành giáo dục lại kiểm tra, rà soát, chấn chỉnh...  Nhưng những việc này mới chỉ giải quyết được phần ngọn của vấn đề khi các vụ bạo hành bị phát giác. Những bản án thích đáng dành cho những kẻ bạo hành trẻ em sẽ nhanh chóng bị quên đi. Những vụ việc mới, đau lòng hơn lại vẫn xuất hiện khiến người ta day dứt.

Để giải quyết tận gốc vấn đề điều quan trọng là tuyên truyền, giáo dục, làm thay đổi nhận thức của mỗi cá nhân, mỗi gia đình và cộng đồng. Nghĩa là làm cho mọi người đều thấy bảo vệ trẻ em là trách nhiệm của toàn xã hội, không phải trách nhiệm, hay nghĩa vụ của ai đó. Phải làm cho tất cả mọi người đều biết và thực hiện đầy đủ quyền của trẻ em.

Bên cạnh đó, để bảo vệ trẻ em đòi hỏi phải hoàn thiện hơn nữa các quy định pháp luật; quy trách nhiệm rõ hơn đối với người đứng đầu các ngành, các cấp, kể cả các cơ sở giáo dục, gia đình; phải xử lý hết sức nghiêm minh các hành vi vi phạm...

Xin dẫn lời Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban quốc gia về trẻ em Đào Ngọc Dung trong lễ khai trương tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em – 111 mới đây thay cho lời kết: “Đã đến lúc chúng ta không chỉ dừng lại ở kêu gọi sự sẻ chia mà cần yêu cầu mỗi cơ quan, tổ chức, bậc cha mẹ, anh chị phụ trách phải xắn tay hành động, ngăn chặn, xử lý nghiêm minh, kịp thời các hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em cùng những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em"./.

Kim Thanh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực