Mùa lễ hội, đến hẹn lại lo…

Thứ tư, 13/02/2019 15:29
(ĐCSVN) - Ông bà ta xưa có câu “tháng Giêng là tháng ăn chơi". Tới ngày nay, dù bộn bề công việc nhưng người Việt vẫn thu xếp thời gian để hòa mình vào những lễ hội khắp mọi miền Tổ quốc. Ngoài những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc được lưu giữ qua các lễ hội thì những hủ tục như đốt vàng mã, xin sớ, sử dụng tiền lẻ… để đi lễ lại vẫn nở rộ vào dịp đầu năm.
Xe kéo hàng mã ngang nhiên trên Quốc lộ 21 B, huyện Mỹ Lộc, Nam Định.

 Hủ tục cần phải loại bỏ

 Ngày 22 tháng 2 năm 2018, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam ban hành công văn số 31 yêu cầu loại bỏ tục đốt vàng mã ra khỏi các cơ sở tôn giáo thuộc sự quản lý của giáo hội. Một việc làm được cho là rất tích cực và kịp thời nhằm hạn chế tình trạng mê tín dị đoan trong quá trình thực thi tín ngưỡng, tiết kiệm tiền bạc, giữ gìn và phát huy các giá trị truyền thống văn hóa dân tộc. Công văn của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đề nghị các chư tôn, đức tăng ni nêu cao tinh thần Bồ Tát đạo, hướng dẫn đồng bào Phật tử và người dân từ bỏ mê tín dị đoan, không đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo và các hình thức khác trái với thuần phong mỹ tục, văn hóa dân tộc và văn hóa Phật giáo Việt Nam. Dù chưa có con số thống kê chính thức nào công bố là mỗi năm, người dân Việt Nam đã tốn bao nhiêu tiền cho đốt vàng mã. Nhưng cứ mỗi mùa lễ hội, cúng giải hạn đầu năm, dịp Lễ Vu lan, lại đầy rẫy hình ảnh những lò hóa vàng cháy rực cả ngày lẫn đêm. Đền càng lớn, càng nổi tiếng linh thiêng, người dân đi lễ càng đông, vàng mã được cúng tiến rồi đốt đi càng nhiều. Cuộc sống của nhiều gia đình ngày nay có phần khá giả hơn thì càng “phú quý sinh lễ nghĩa”.

Những ngày đầu năm mới ở Hà Nội, nhiều người ở phủ Tây Hồ “mỏi tay” viết sớ chữ nho, vẫy khách đi lễ. Đây cũng là dịp “ăn nên làm ra” của nhiều người viết sớ theo ý nguyện của những người đi lễ. Khách hàng chỉ cần đưa thông tin ngắn gọn gồm tên, tuổi, địa chỉ, nội dung xin sớ. Ngày đầu năm mới, mỗi bộ sớ gồm 3 lá sớ có giá thấp nhất là 50.000 đồng. Người viết sớ chỉ mất vài phút để hoàn thành. Chị Nguyễn Thị Quỳnh Mai ở Tây Mỗ, Hà Nội cho biết: Đầu năm mới, tôi đi lễ phủ Tây Hồ với mong muốn cầu tài lộc cho gia đình và xin sớ cho 5 người thân trong gia đình. Mỗi bộ sớ có giá 110.000 đồng. Thực hư con số mà người dân đổ vào vàng mã và xin sớ đầu năm, chắc cũng khó tính toán. Bởi có ai làm thống kê hết được đâu mà biết. Nhưng chắc chắn số tiền thật mà dân mình bỏ ra mỗi năm để mua vàng mã, xin sớ đem đốt cho thần linh, ông bà, tổ tiên…không phải là ít. Bởi bây giờ, có nhà nào cúng giỗ, hay ngày Rằm, mùng một mà không đốt vàng mã?. Ít thì mua vàng mã đôi ba mươi nghìn, nhiều thì hàng trăm nghìn. Nhiều gia đình có điều kiện còn bỏ tới cả tiền triệu để mua vàng mã về đốt.

Xem ra công văn yêu cầu loại bỏ đốt vàng mã chỉ có tác dụng được phần nào đối với các cơ sở tôn giáo thuộc sự quản lý của giáo hội. Bởi lẽ, tục đốt vàng mã đã “ăn sâu” vào nếp nghĩ của người Việt ta. Người xưa quan niệm rằng, chết không phải là hết nên ngoài mâm cơm cúng, các gia đình còn sắm sửa rất nhiều tiền vàng, quần áo, nhà, xe, ngựa,…để gửi về thế giới bên kia cho những người đã khuất. Nhiều người cho rằng, cách tốt nhất để người chết có được cuộc sống đầy đủ nhất cũng như vong linh được siêu thoát là đốt thật nhiều tiền và vàng mã. Người dân không chỉ đốt vàng mã khi đi chùa, đi hội mà họ còn đốt vàng mã rất nhiều tại gia đình. Chiều ngày mùng 3 Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, trên quốc lộ 21B, tỉnh Nam Định, chúng tôi bắt gặp một xe kéo hàng mã cồng kềnh có nguy cơ gây mất an toàn giao thông với đủ loại từ quần áo, mũ nón đến ngựa… xem ra của một gia đình có điều kiện mua về đốt trong lễ hóa vàng sau 3 ngày Tết thì số tiền bỏ ra chắc không phải là nhỏ.

Đốt vàng mã không phải là thước đo của sự báo hiếu

Chính quan niệm “trần sao âm vậy”, sau cái chết, con người còn có một đời sống khác, cũng có các nhu cầu như đang ở trần thế nên gia đình nào cũng muốn người thân của mình ở thế giới bên kia có cuộc sống đầy đủ, từ cơm áo, tiền bạc, ti vi, nhà lầu, xe hơi, điện thoại xịn…Con cháu khi cha mẹ, ông bà còn sống chưa có điều kiện chăm sóc thì giờ càng cố tỏ ra hiếu thảo khi đốt thật nhiều vàng mã để cha mẹ, ông bà bên kia thế giới được dùng, xem như một sự đền đáp. Chuyện ông bà tổ tiên, hay thánh thần có nhận được lễ vật hay không thì không ai biết. Nhưng có một điều ai cũng thấy là với hàng chục nghìn tấn vàng mã được tiêu thụ mỗi năm thì số tiền thật của người dân bị “bốc hơi” chắc là không hề nhỏ. Chưa kể đến việc gây tốn kém về kinh tế, đốt vàng mã còn để lại những hệ lụy như gây ô nhiễm môi trường, hỏa hoạn rình rập, nạn phá rừng lấy gỗ làm giấy vàng mã…

Đốt vàng mã nếu chỉ đơn giản là một phần trong nghi thức thờ cúng thần linh, tổ tiên là việc làm bình thường. Đó là tín ngưỡng dân gian cần được trân trọng. Cái sai là ở chỗ con người đã lượng hóa việc đốt vàng mã thành thước đo của lòng thành kính, thành mức độ nặng nhẹ của lời thỉnh cầu để xin xỏ nhằm mang về cho mình chức tước, bổng lộc, hay một giá trị vật chất cụ thể nào đó. Lúc này, đốt vàng mã đã trở thành hành vi biến tướng cần phải phê phán loại bỏ./.                                                          

Đặng Xuân Khu

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực