Do đâu rừng vẫn “chảy máu”?

Thứ sáu, 22/09/2017 16:29
(ĐCSVN) - Công tác bảo vệ rừng đã được bàn nhiều, nói nhiều, nhưng các vụ phá rừng vẫn phổ biến. Phải chăng, sâu xa của công tác này chưa được đặt trong tương quan nhiều khía cạnh?
Hàng chục héc-ta rừng bị tàn phá ở Bình Định chỉ trong một thời gian ngắn.
Ảnh: thanhnien.vn.

"Cha chung không ai khóc"...

Hàng loạt vụ hủy hoại rừng xảy ra thời gian gần đây đang làm nóng dư luận. Điển hình như các vụ chặt phá: 69 ha rừng tại huyện An Lão, Bình Định; hàng trăm héc ta rừng đầu nguồn sông Tranh (Quảng Nam); phá rừng để làm dự án tại Phú Yên, Sơn Trà (Đà Nẵng), bức tử rừng phòng hộ Buôn Đôn (Đắk Lắk)…

Những sự việc trên một lần nữa cho thấy, rừng trở thành nơi xâu xé của nhiều thành phần: Lâm tặc chặt phá rừng để lấy gỗ; người dân đốt phá rừng để lấy đất trồng trọt; tổ chức, cá nhân có chức, có quyền lợi dụng kẽ hở của pháp luật chuyển đổi mục đích sử dụng và sang nhượng trái phép đất rừng để chuộc lợi, làm dự án…  Hậu quả là rừng tiếp tục bị thu hẹp. Chỉ tính riêng khu vực Tây Nguyên, 4 tháng đầu năm 2017, đã phát hiện và xử lý trên 1.700 vụ vi phạm các quy định về quản lý bảo vệ rừng. Tại Bình Định và Quảng Ngãi, 7 tháng đầu năm, hai tỉnh này đã xảy ra hơn 200 vụ phá rừng. Tại Đắk Nông, 27.000 ha rừng đã biến mất chỉ trong 3 năm từ 2013-2015(?!).

Vấn đề đặt ra là, tại sao các vụ phá rừng vẫn phổ biến? Phải chăng do công tác bảo vệ rừng chưa được chú trọng đặt trong tương quan nhiều khía cạnh: Lực lượng chức năng, chính quyền, doanh nghiệp, người dân…?

Nhiều văn bản pháp luật quy định rõ trách nhiệm của chủ rừng, chính quyền địa phương, cơ quan quản lý nhà nước về lâm nghiệp (Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn) và cơ quan kiểm lâm (làm nhiệm vụ thực thi pháp luật lâm nghiệp), nhưng... nạn phá rừng vẫn tiếp tục diễn ra.

Không ít vụ chặt phá rừng, vận chuyển gỗ trái phép là do có sự tiếp tay của một số cán bộ biến chất, lực lượng kiểm lâm.... Ví như, việc 27.000 ha rừng tại Đắk Nông biến mất chỉ trong 3 năm, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Nông cho biết, có nguyên nhân từ tình trạng cán bộ dính líu tiêu cực. Vụ hủy hoại 69 ha rừng tại huyện An Lão, Bình Định đang gây bức xúc dư luận, chốt kiểm lâm chỉ cách khu vực rừng bị chặt phá... 5 km, việc vận chuyển phải đi qua tuyến đường độc đạo có chốt kiểm lâm này nhưng không ai phát hiện (!?).

Với các tổ chức, doanh nghiệp, rất nhiều trường hợp đã núp bóng dự án này, dự án nọ, thậm chí là mượn danh trồng rừng để phá rừng  nhằm khai thác gỗ, như tại Phú Yên vừa qua. Dư luân ngạc nhiên khi hay tin doanh nghiệp phá rừng để làm dự án nuôi bò; phá rừng để… kịp tổ chức thi hoa hậu (?!).

Còn đối với người dân bản địa, do không được trao quyền với rừng, đất sản xuất lại hạn chế nên họ thường tranh thủ tối đa lấy được gì từ rừng thì cứ lấy. Nhiều người đã đốt rừng làm nương, không ngần ngại làm thuê cho lâm tặc chặt phá rừng…

Còn nhớ vụ phá rừng Quốc gia Ba Bể (Bắc Cạn) cách đây vài ba tháng, mặc dù chính quyền huyện đã giao khoán 200 triệu đồng/năm cho công an, bộ đội để bảo vệ rừng nhưng chỉ trong gần 1 năm, 36 cây gỗ nghiến cổ thụ hàng trăm năm tuổi đã bị chặt hạ trái phép, 70% số cây bị đốn hạ nằm trong khu vực lực lượng chức năng bảo vệ. Một trong những nguyên nhân khiến rừng Quốc gia Ba Bể vẫn “chảy máu”, theo phản ánh của Đài Truyền hình Việt Nam, là do người dân bản địa không được xem xét giao rừng (?!).

Cách nào bảo vệ rừng?

Những sự việc trên đã bộc lộ thực trạng: Rừng đang trở thành "cha chung không ai khóc". Quyền lợi từ rừng vẫn chung chung nên trách nhiệm cũng chung chung.

Vì thế, để nâng cao hiệu quả công tác giữ rừng, bảo vệ rừng, bên cạnh sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan chức năng, chính quyền và nhân dân, cần phải đẩy mạnh giao đất, giao rừng cho người dân bản địa và cho họ được thụ hưởng quyền lợi từ rừng. Khi đó, rừng sẽ gắn liền với an sinh của người bản địa như thửa ruộng của người nông dân miền xuôi.

Rừng cũng là yếu tố cấu thành văn hóa của đồng bào dân tộc, mất rừng sẽ dẫn đến những rạn nứt văn hóa. Được giao rừng, cùng với ý thức mình là chủ thể của rừng, chủ thể văn hóa, người dân sẽ chủ động tìm cách đầu tư sản xuất sao cho rừng phát triển nhanh nhất và giữ rừng như tài sản của gia đình mình. Điển hình như tỉnh Hòa Bình đã giao hơn 48.771 ha rừng cho 713 cộng đồng, giao hơn 104.964 ha rừng cho 51.107 hộ gia đình, Khi dân làng được nhận tiền quản lý, bảo vệ rừng, họ đã đoàn kết cùng nhau bảo vệ rừng, không ai dám phá rừng. Dân làng chia nhau theo nhóm hộ để tuần tra rừng, nếu có dấu hiệu xâm phạm rừng, sẽ báo cho lực lượng chức năng xử lý. Nhờ đó, hiện tượng phá rừng, khai thác lâm sản, lấn chiếm, chuyển đổi mục đích rừng và đất lâm nghiệp đã giảm nhiều. Nhiều khu rừng giao cho cộng đồng quản lý đã phát huy được tính tích cực của văn hoá làng, xã nên được bảo vệ tốt.

Với phương châm làm cho mỗi cánh rừng đều có chủ, xóa đói giảm nghèo từ rừng, nhiều chính sách đã được Nhà nước ban hành. Trong đó, chính sách giao đất, giao rừng cho các chủ thể khác nhau để cùng bảo vệ, hưởng lợi đã được thực hiện trong những năm qua. Theo số liệu của Tổng cục Lâm nghiệp, tính đến 31/12/2015, đã có hơn 3,145 triệu hộ gia đình và hơn 1,110 triệu cộng đồng được giao quản lý rừng.  Việc giao rừng này đã góp phần hỗ trợ các hộ gia đình, đặc biệt là đồng bào dân tộc miền núi tăng thu nhập, thoát nghèo, phát triển sản xuất lâm nghiệp, góp phần bảo đảm an ninh quốc phòng nơi vùng sâu, vùng xa.

Như vậy, đẩy mạnh giao đất giao rừng vừa phát huy được vai trò của rừng đối với đời sống xã hội, vừa kết hợp được lực lượng tại chỗ là cộng đồng dân cư tham gia trồng rừng và bảo vệ rừng; đồng thời giảm bớt áp lực cho lực lượng kiểm lâm vốn đã mỏng để lực lượng này tập trung tối đa giúp dân bảo vệ rừng và kiểm soát hoạt động khai thác rừng sao cho đúng quy định. Bên cạnh đó, cũng cần nâng cao trách nhiệm của các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương trong giữ gìn và bảo vệ rừng./.


AL

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực