Bài 2 - Nhiều hệ lụy từ những "dòng sông chết”

Thứ ba, 07/08/2018 12:47
(ĐCSVN) - Hiện nay, tình trạng ô nhiễm tại nhiều dòng sông đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của hàng vạn hộ gia đình tại nhiều nơi trong cả nước. Điều đáng nói, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này xuất phát từ chính những hoạt động sản xuất của con người.

Lời kêu cứu từ những dòng sông đang bị “bức tử”

Hoạt động của các nhà máy sản xuất giấy với công nghệ lạc hậu được xác định
là một nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc “bức tử” sông Ngũ Huyện Khê. Ảnh: TL.

Ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sản xuất của người dân

Trước đây, đối với người dân Việt Nam, gần như mọi hoạt động đều gắn với các dòng sông. Từ những việc trong đời sống sinh hoạt cho tới các hoạt động sản xuất của người dân đều sử dụng nguồn nước từ những con sông. Tuy nhiên, đó là chuyện của “ngày xưa”… Không khó để nhận ra mức độ ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng tại rất nhiều dòng sông lớn, nhỏ trên địa bàn thủ đô Hà Nội.

 

Theo đánh giá của Chi cục Thủy lợi Hà Nội thì đến nay, nguồn nước trên địa bàn thành phố Hà Nội đang đứng trước tình trạng ô nhiễm đáng báo động. Vào mùa khô mực nước thấp, dòng nước không có sự lưu thông và tình trạng ô nhiễm đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và sản xuất của người dân.

 

Cụ thể, tính đến đầu năm 2018, bình quân mỗi ngày đêm người dân Hà Nội đưa ra môi trường tự nhiên khoảng 650.000 - 700.000 m3 nước thải và hơn 1.000 m3 rác. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên, do năng lực của hệ thống xử lý nước thải có hạn nên đến nay vẫn có khoảng 1/3 số nước thải nói trên không qua xử lý mà đổ thẳng vào các ao hồ, sông ngòi… của Hà Nội.

 

Cũng trên địa bàn Thủ đô, hiện nay vẫn đang còn rất nhiều bệnh viện và cơ sở sản xuất chưa xây dựng được hệ thống xử lý nước thải hoặc có hệ thống xử lý nước thải nhưng các hệ thống này hoạt động không hiệu quả. Điều này được coi là nguyên nhân chủ yếu làm cho tình trạng ô nhiễm các dòng sông ở Hà Nội không những không được cải thiện mà còn có dấu hiệu nghiêm trọng hơn. Có thể kể ra khá nhiều sông đang bị ô nhiễm chảy qua địa bàn Hà Nội, như: Sông Tô Lịch, sông Sét, sông Lừ, sông Nhuệ, sông Kim Ngưu… Kết quả phân tích nước tại các dòng sông này cho thấy tình trạng ô nhiễm nguồn nước đều đang ở mức đáng báo động; nhiều hàm lượng vượt gấp nhiều lần so với quy chuẩn của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

 

Đặc biệt, đối với sông Nhuệ, với việc tiếp nhận toàn bộ nguồn nước thải của các hoạt động làng nghề tiểu thủ công nghiệp hầu như chưa qua xử lý ở hai bên bờ sông, cộng với nước thải sinh hoạt, bệnh viện, công nghiệp,… của toàn thành phố Hà Nội đổ vào, đã khiến cho sông Nhuệ đang bị ô nhiễm nặng. Tại đoạn sông Nhuệ chảy qua làng Vạn Phúc, việc nước thải trong các cơ sở sản xuất không qua xử lý được thải ra môi trường đã gây ô nhiễm nguồn nước nặng nề. Mùi hôi thối và màu nước đen như mực. Nhiều thời điểm, rác thải chất đống hai bên bờ sông và trôi nổi khắp trên mặt nước. Theo nghiên cứu, các thông số đặc trưng cho ô nhiễm hữu cơ và ô nhiễm vi sinh trong nước của sông Nhuệ đều cao hơn nhiều lần so với quy chuẩn cho phép (QCVN 8/2008 loại B1- Loại nước cấp cho nông nghiệp). Vì vậy, từ nhiều năm nay, nguồn nước chảy theo dòng sông Nhuệ đã không còn đủ điều kiện cấp nước cho hoạt động sản xuất nông nghiệp của người dân dọc theo hai bên bờ sông.

 

Một vị trí xả thải trực tiếp ra sông Nhuệ của Công ty TNHH Một thành viên nước sạch Hà Đông. Ảnh: TL.

 

Được coi là một trong những “điểm nóng” về tình trạng ô nhiễm nguồn nước, chất lượng nước tại nhiều dòng sông ở tỉnh Hưng Yên cũng không mấy khả quan. Khoảng 5 năm trở lại đây, dòng sông Cửu An đoạn qua huyện Ân Thi (Hưng Yên) đã thực sự trở thành nỗi ám ảnh của người dân các xã Đa Lộc, Bãi Sậy... Đoạn sông dài gần 3 km chảy qua các khu vực nói trên thường xuyên có màu đen kịt, nổi váng, sủi bọt và bốc mùi hôi thối nồng nặc. Những hộ dân sống ven sông luôn đóng kín cửa cả ngày lẫn đêm, mỗi khi đi ra ngoài phải đeo khẩu trang hoặc bịt mũi. Đặc biệt, về mùa hanh khô, nước sông Cửu An luôn trong tình trạng đen đặc, không thể sử dụng để làm nguồn nước tưới cho cây vụ Đông.

 

Bà Trần Thị Bé, một người dân ở xã Bãi Sậy, huyện Ân Thi bức xúc: “Trước đây chúng tôi còn tắm giặt, đánh bắt tôm, cá ở dòng sông này. Nhưng giờ thì chẳng còn ai dám tắm giặt nữa cả. Về mùa hè, tình trạng hôi thối nồng nặc rất khó chịu. Nước ô nhiễm chảy đến đâu, cây cối và tôm, cá chết ở đó. Ngay cả rau bèo trên sông nếu đem cho lợn, gà ăn cũng bị nhiễm độc và chết”.

 

Cũng theo người dân địa phương, một điều làm mọi người lo lắng hơn cả là nhà máy nước Từ Ô hiện đang lấy nước mặt sông Cửu An để sản xuất nước sạch cấp cho 4 xã là: Đa Lộc, Văn Nhuệ, Hoàng Hoa Thám và Nguyễn Trãi. Trước thực trạng ô nhiễm sông Cửu An, người dân rất lo lắng về chất lượng nguồn nước cung cấp cho nhà máy để phục vụ sinh hoạt. Tình trạng ô nhiễm nguồn nước mặt sông Cửu An còn ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất nông nghiệp của nhiều người dân. Tại các xã dọc theo hai bên bờ sông, nhiều hộ nông dân luôn trong tình trạng không có nước tưới. Chỉ tính riêng trong năm 2017 vừa qua, đã có hơn 30 ha nuôi thủy sản của xã Đa Lộc, hàng trăm ha đất nông nghiệp của các xã Bãi Sậy, Đa Lộc… bị thiếu nước sản xuất vì dòng sông ô nhiễm.

 

Ông Lê Đức Lành, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hưng Yên cho biết: Phản ánh của người dân về tình trạng ô nhiễm nguồn nước tại sông Cửu An là có cơ sở. Tình trạng ô nhiễm này chậm được cải thiện đã ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh hoạt và quá trình sản xuất nông nghiệp của nhiều địa phương lân cận.

Việc xả trực tiếp nước thải chưa qua xử lý là nguyên nhân chủ yếu
gây ô nhiễm nguồn nước ở các dòng sông hiện nay. Ảnh: TL.

 

Nhiều nguyên nhân “bức tử” các dòng sông

 

Hiện nay, cùng với sông Cửu An, các sông nhánh nằm trong hệ thống sông Bắc Hưng Hải ở Hưng Yên đều đang trong tình trạng ô nhiễm ở mức "báo động đỏ". Nguyên nhân của thực trạng đáng buồn đó được xác định phần lớn là do nước thải từ các nhà máy, xí nghiệp, trang trại chăn nuôi và nước thải sinh hoạt xả trực tiếp với lưu lượng lớn.

 

Những năm gần đây, Hưng Yên nổi lên như là tỉnh thu hút được nhiều dự án công nghiệp vào địa bàn. Đến nay, các khu công nghiệp ở Hưng Yên đang ghi nhận sự hoạt động của nhiều công ty với những ngành nghề khác nhau như: Dệt may, cơ khí, điện tử và thực phẩm... Sự đa dạng về ngành, nghề tại những khu công nghiệp nói trên đã đáp ứng nhu cầu lớn về việc làm cho người dân địa phương. Tuy vậy, thời gian qua, một số khu công nghiệp đang bộc lộ nhiều mặt trái, đặc biệt là vấn đề ô nhiễm môi trường nguồn nước, “đầu độc” các dòng sông, làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, sinh hoạt và sản xuất của nhân dân địa phương. Nguyên nhân chính gây nên tình trạng trên là do một số doanh nghiệp vì lợi nhuận mà xả thẳng nước thải chưa qua xử lý ra môi trường. Điển hình là hệ thống sông Bắc Hưng Hải, sông Bần Vũ Xá, sông Cầu Lường và hàng chục con kênh mương khác hiện đã bị biến thành các dòng sông “chết”, bốc mùi hôi tanh khó chịu. Nguồn nước lúc nào cũng đặc quánh, đen sì hoặc chuyển sang màu vàng, màu đỏ với những lớp váng dày hoặc sủi bọt khí liên tục, bốc mùi hôi thối khiến đời sống nhân dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhiều diện tích người dân phải bỏ hoang không gieo cấy vì nguồn nước ô nhiễm nặng. Tình trạng này đã và đang gây bất bình trong dư luận tại nhiều địa phương ở Hưng Yên.

 

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Văn Công ở thôn Cầu Lường, xã Bạch Sam, huyện Mỹ Hào (Hưng Yên) cho biết: "Gia đình tôi sống gần sông Cầu Lường, hàng ngày phải chịu cảnh sông bị ô nhiễm trầm trọng do nước thải công nghiệp rất khó chịu. Trong thôn đã có nhiều người chết vì ung thư. Các cháu nhỏ thì thường xuyên ốm đau. Người dân chúng tôi mong chính quyền cùng cơ quan chức năng các cấp sớm có biện pháp khắc phục, xử lý nguồn nước ô nhiễm, trả lại cuộc sống bình yên cho chúng tôi”. 

 

Liên quan đến các vi phạm trong xả thải ra nguồn nước, thời gian qua, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hưng Yên đã ban hành hàng loạt quyết định xử phạt những đơn vị, doanh nghiệp có vi phạm như: Doanh nghiệp tư nhân Thanh Bình, Công ty Thế Quang…

 


Quyết định xử phạt 61.500.000 đồng của Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hưng Yên 
đối với Doanh nghiệp tư nhân Thanh Bình do vi phạm trong xả thải. Ảnh: TL

Thực tế thời gian qua cho thấy, ô nhiễm nguồn nước đang là tình trạng khá phổ biến đối với rất nhiều dòng sông tại các tỉnh, thành phố hiện nay. Cùng với sự phát triển của đất nước, tốc độ phát triển công nghiệp hóa và đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ, kinh tế phát triển một mặt thúc đẩy đời sống của nhân dân; song, mặt khác cũng kéo theo nhiều hệ lụy từ việc gia tăng dân số và hoạt động sản xuất gây ô nhiễm môi trường. Nguồn nước tại nhiều sông ngòi đang bị đe dọa. Tại nhiều tỉnh, thành phố, đô thị lớn như: Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai…, tình trạng ô nhiễm môi trường nói chung, ô nhiễm nguồn nước nói riêng đang ngày càng trở lên nghiêm trọng.

Quá trình phát triển sản xuất kinh tế, đặc biệt là phát triển công nghiệp với sự gia tăng của hàng loạt những nhà máy, xí nghiệp là một trong những nguyên nhân chính gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường. Tại hầu hết các địa phương trong cả nước, hoạt động sản xuất có những bước phát triển đáng kể, song công tác xử lý nguồn nước thải từ quá trình sản xuất còn nhiều hạn chế nên đã trở thành tác nhân gây ô nhiễm môi trường, ô nhiễm tầng nước mặt trầm trọng. Do chạy theo lợi nhuận, nhiều doanh nghiệp, nhà máy, làng nghề truyền thống… đã ngang nhiên xả thẳng nước thải sản xuất ra sông ngòi. Việc xả thải này diễn ra trong thời gian dài đã biến nước sông thành màu đen nghịt, bốc mùi hôi thối. Nhiều chất độc hại cản trở sự sống của các sinh vật và ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe con người, khiến cho nhiều dòng sông bị “bức tử”…

 

Như vậy, có thể thấy rõ một thực tế đáng buồn hiện nay đó là do nước thải sinh hoạt, nước thải sản xuất; do những yếu kém, hạn chế trong xử lý nguồn nước thải các loại nên tình trạng ô nhiễm nguồn nước tại rất nhiều dòng sông hiện đang ở mức báo động. Ô nhiễm nguồn nước tại các dòng sông không chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống sinh hoạt; gây thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ đe dọa đến sức khỏe của hàng nghìn người dân.

 

Do đó, vấn đề cấp bách đang đặt ra hiện nay là cần sớm có những giải pháp đồng bộ, khả thi để “hồi sinh” những dòng sông “chết”./.

Quang Đạo

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực