Từ nạn nhân “bỗng dưng” trở thành bị can, người nhà kêu cứu!

Thứ tư, 23/01/2019 16:57
(ĐCSVN) – Trong phiên xét xử này, các tình tiết quan trọng của vụ án đã được xem xét đến, những sai sót của cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án cấp sơ thẩm cũng được cấp tòa phúc thẩm nhìn nhận thẳng thắn.

Vụ án “Nạn nhân trở thành bị cáo”: Tòa án bỏ qua những tình tiết quan trọng? ​

Từ nạn nhân “bỗng dưng” trở thành bị can, người nhà kêu cứu!

Từ nạn nhân “bỗng dưng” trở thành bị can, người nhà kêu cứu!

Trụ sở Tòa án Nhân dân tỉnh Hòa Bình. (Ảnh: Kim Chiến)

Diễn biến liên quan đến câu chuyện éo le khi mà “nạn nhân” lại trở thành “bị can” ở huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình (chúng tôi đã phản ánh trong loạt bài 3 kì), ngày 15/1, Tòa án Nhân dân tỉnh Hòa Bình đã mở phiên Tòa Phúc thẩm vụ án với bị can Phạm Anh Tuấn về tội: “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” sau 1 lần tạm hoãn. Tại phiên tòa, một số tình tiết quan trọng đã được cấp tòa phúc thẩm xem xét đến, cùng những diễn biến bộc lộ vụ án có nhiều dấu hiệu oan sai…

Như Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã đăng tải ở 3 bài viết trước, Phạm Anh Tuấn, trú ở phố Bãi Nai, xã Mông Hóa, huyện Kỳ Sơn (Hòa Bình) trên đường đi học về, khi di chuyển sang đường để vào nhà thì bị Nguyễn Hữu Đức điều khiển xe máy có dung tích lớn, không có giấy phép lái xe, không làm chủ tốc độ tự gây tai nạn khiến bản thân thiệt mạng, và Phạm Anh Tuấn là người bị tông xe, lẽ ra phải là “nạn nhân” trong vụ việc này lại bị cơ quan cảnh sát điều tra (CQCSĐT) huyện Kỳ Sơn khởi tố về tội: “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”.

Nhìn lại diễn biến của quá trình tố tụng, cho đến khi Tòa án Nhân dân huyện Kỳ Sơn tuyên bản án sơ thẩm có thể thấy: Đây là một câu chuyện éo le, cộng với nhiều sai sót của cơ quan điều tra huyện Kỳ Sơn, sự suy xét thiếu thấu đáo, thiếu công tâm của cơ quan tố tụng cấp sơ thẩm đã vô tình đẩy vụ án diễn biến theo chiều hướng đỉnh điểm phức tạp, gây khó khăn không nhỏ cho cấp phúc thẩm trong quá trình nhìn nhận khách quan bản chất của toàn bộ vụ án. Đây cũng là ngọn nguồn gây ra những bản án oan sai “thấu trời” trong hoạt động tố tụng nói chung.

Trở lại vấn đề, dù chưa củng cố được các căn cứ kết tội, nhưng CQCSĐT Công an huyện Kỳ Sơn đã vội vàng đưa ra kết luận thiếu khách quan để làm cơ sở truy tố đối với Phạm Anh Tuấn. Ở đây, cơ quan điều tra đã bỏ qua, hoặc thiếu khách quan không xem xét đến các tình tiết quan trọng trong sự việc mà trên nguyên tắc lô-gíc, khoa học biện chứng sẽ tự nó nói lên bản chất của vấn đề.

Cụ thể, CQCSĐT đã bỏ qua nhiều tình tiết vi phạm của người điều khiển phương tiện. Có hướng quy chụp bằng nhiều tình tiết lập lờ thiếu rõ ràng, hòng đánh tráo khái niệm theo chiều hướng chủ quan, duy ý chí để tăng tội cho Phạm Anh Tuấn – người được nhìn nhận khách quan phải là nạn nhân trong vụ việc.

Từ đó có thể nhận định, quy trình tố tụng của CQCSĐT - Công an huyện Kỳ Sơn, Hòa Bình “có vấn đề” bởi các lẽ sau:

Thứ nhất: Một vụ việc nghiêm trọng, có hậu quả nặng nề lẽ ra cần được điều tra kỹ lưỡng trước khi đưa ra nhận định, thì có vẻ điều tra viên được phân công điều tra vụ án lại tự đặt ra khoảng cách cho sự va chạm, khi chưa xác định được vị trí sang đường của Tuấn, chưa xác định được vị trí chính xác của điểm va (A) giữa hai xe. Việc vội vã ra quyết định khởi tố bị can đối với Phạm Anh Tuấn, bỏ qua nhiều tình tiết quan trọng không được chứng minh, khiến vụ việc có nhiều điểm bất minh, khiến dư luận không khỏi bức xúc.

Thứ hai: Trong vụ án có dấu hiệu cố tình làm trái luật. Cụ thể khi tiến hành họp 3 ngành 2 cấp với các cơ quan tố tụng tỉnh Hòa Bình và nhận được những quan điểm khá rõ ràng từ phía cơ quan cấp tỉnh, Công an huyện Kỳ Sơn đã đình chỉ bị can. Tuy nhiên, ngày 07/11/2017 – Phó thủ trưởng CQCSĐT Công an huyện Kỳ Sơn lại tiếp tục ra quyết định phục hồi điều tra bị can số 02/QĐ-CSĐT, ngày 07/11/2017 với Phạm Anh Tuấn và Quyết định phục hồi điều tra vụ án hình sự số 02/QĐ-CSĐT, ngày 07/11/2017 đối với vụ việc. Và chỉ trong 01 vụ tai nạn giao thông, nhưng CQCSĐT – Công an huyện Kỳ Sơn lại ban hành tới 04 bản kết luận điều tra (KLĐT) có những vị trí điểm va khác nhau với những chi tiết “bất thường”.

Thêm nữa, ngày 24/04/2017, CQCSĐT Công an huyện Kỳ Sơn gửi tới gia đình Phạm Anh Tuấn giấy triệu tập bị can, tuy là 02 giấy triệu tập số 06 và số 07 nhưng lại được cơ quan này ban hành cùng trong 1 ngày. Điều này gây ra nhiều thắc mắc về quy trình, trình tự tố tụng và cách làm việc của cơ quan điều tra Công an Huyện Kỳ Sơn liệu có sự nhầm lẫn thực sự hay thiếu khách quan?

Và như một phản ứng dây chuyền, phiên tòa sơ thẩm của Tòa án Nhân dân huyện Kỳ Sơn ngày 12,13 tháng 9 năm 2018 tiếp tục bỏ qua nhiều tiết quan trọng, hồ sơ của Viện kiểm sát Kỳ Sơn đưa ra đề nghị truy tố đối với bị cáo Phạm Anh Tuấn có nhiều nội dung bị tẩy xóa, không có chứng cứ, luận cứ của luật sư bào chữa, của nhân chứng, không có các quan điểm tự bào chữa của người được đại diện ủy quyền gia định bị cáo. Kết quả là một bản án có dấu hiệu thiếu công tâm, khiến cho vụ án tưởng chừng như quá rõ ràng lại tiếp tục diễn biến phức tạp, tạo gánh nặng cho tòa phúc thẩm cấp trên.

Phiên Tòa Phúc thẩm liên quan sự việc "nạn nhân thành bị can" diễn ra tại Hòa Bình ngày 15/01/2019.

Ảnh: Kim Chiến

Diễn biến tại phiên Tòa Phúc thẩm ngày 15/1/2019, Chủ tọa cùng Thẩm đoàn Tòa án Nhân dân tỉnh Hòa Bình đã trải qua các phần tranh tụng, xét hỏi, nghị án. Mặc dù quan điểm của Viện kiểm sát Nhân dân (VKSND) tỉnh Hòa Bình vẫn bảo vệ quan điểm của VKSND cấp dưới, nhưng với tinh thần công tâm, trong phiên tụng đình này các tình tiết quan trọng của vụ án đã được cấp phúc thẩm xem xét nghiêm túc, làm cơ sở khách quan nhìn nhận thấu đáo vụ án. Những sai sót của cơ quan điều tra huyện Kỳ Sơn, những thiếu sót trong cáo trạng của viện kiểm sát cấp sơ thẩm cũng được cấp tòa phúc thẩm chỉ rõ.

Trong phần tuyên án, nhận thấy vụ án có nhiều sai sót trong quá trình tố tụng cấp sơ thẩm, tòa án nhân dân tỉnh hòa bình đã tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm thiếu khách quan này. Đây được xem là một quyết định thận trọng, thấu tình đạt lý của cấp phúc thẩm Tòa án Nhân dân tỉnh Hòa Bình.

Xâu chuỗi toàn bộ diễn biến của quá trình xét xử, tố tụng của vụ án có thể thấy, nhiều tình tiết quan trọng đang tự bộc lộ rõ dần bản chất vụ án Phạm Anh Tuấn có nhiều dấu hiệu oan sai. Hiện các bên đang trông chờ một bản án công tâm, thấu tình đạt lý. Công lý phải được thực thi và thuộc về lẽ phải.

Liên quan đến diễn biến của vụ án này, Luật sư Nguyễn Thiện Hiệp - Công ty luật TNHH Việt Tâm (Đoàn luật sư TP Hà Nội) đánh giá:

 Thứ nhất: Đối  với các vụ án “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” thì việc xác định điểm va đâm là mấu chốt của vụ án để chứng minh lỗi của những người tham gia giao thông.  Trong vụ án này điều tra viên đã tự ý đặt ra khoảng cách giữa bị hại - bị cáo và điểm va không đúng với khách quan; Chưa xác định được vị trí sang đường của Bị cáo Tuấn, chưa xác định chính xác được điểm va (A) mà đã khởi tố bị can, kết tội cho Phạm Anh Tuấn là không khách quan, có dấu hiệu vi phạm tố tụng nghiêm trọng cụ thể: 04 bản kết luận điều tra thì điểm va đâm lại khác nhau, khi thì xe của Nguyễn Hữu Đức đâm vào khung xe, lúc thì đâm vào đuôi rồi lại đâm vào yếm xe của bị cáo Tuấn…Thứ hai: Tất cả các những lời khai của người làm chứng mà điều tra viên dùng để kết tội Bị cáo Tuấn đều được thay đổi đi, thay đổi lại, không có tính khách quan, mâu thuẫn với hiện trường, điều đáng nêu ra ở đây có sự mâu thuẫn chính trong từng lời khai của người làm chứng. Thứ ba: CQCSĐT và VKSND huyện Kỳ Sơn đã bỏ qua không chứng minh các hành vi sai phạm của Nguyễn Hữu Đức, như chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện tham gia giao thông; đi xe phân khối lớn, không có giấy phép lái xe; không đội mũ bảo hiểm, đi quá tốc độ, lạng lách đánh võng, đi vào khu trường học, khu chợ đông dân cư,...không giảm tốc độ không chấp hành các biển báo hạn chế tốc độ theo quy định. Việc chỉ xác định lỗi của Nguyễn Hữu Đức chỉ là vi phạm hành chính là đã cố tình bỏ lọt tội phạm. Thứ tư: Cấp sơ thẩm đã áp dụng quy định về những vấn đề cần phải chứng minh, đánh giá chứng cứ trong vụ án không đúng với quy định tại các Điều 64, Điều 65, Điều 66 của Bộ luật tố tụng Hình sự năm 2003 - Tương ứng với các Điều 85, Điều 86, Điều 87 của Bộ luật tố tụng Hình sự năm 2015 dẫn đến sự vi phạm nghiêm trọng khi không đánh giá khách quan Bản kết luận giám định pháp y về tuổi số: 86/17/TgT, ngày 07/06/2017 của Viện Pháp Y Quốc gia kết luận Bị cáo Tuấn tại thời điểm giám định có độ tuổi từ 16 năm 3 tháng đên 16 năm 9 tháng - Bút lục số 347. Như vậy ngày xảy ra vụ án (ngày 08 tháng 12 năm 2016) Bị cáo Tuấn chưa đủ 16 tuổi nên không phải chịu trách nhiệm hình sự, CQCSĐT và VKSND Kỳ Sơn phải đình chỉ ngay vụ án nhưng lại sử dụng chứng cứ là Giấy chứng sinh và Giấy khai sinh của Bị cáo Tuấn không có bản chính để đối chiếu. Thứ năm: Hồ sơ vụ án các Bút lục đã bị tẩy xóa và viết thêm nội dung mới vào, các Luật sư bào chữa cho Bị cáo Tuấn đã đề nghị Hội đồng xét xử cấp sơ thẩm xem xét những sai phạm này nhưng Hội đồng xét xử đã bỏ qua. Vấn đề  này không chỉ là sai phạm nghiệm trọng theo quy định tại Điểm O, Khoản 1, Điều 4 của Bộ luật tố tụng Hình sự năm 2015 mà còn cần phải khởi tố vụ án hình sự về “tội làm sai lệch hồ sơ vụ án, vụ việc” - Điều 375 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017../.

Quang Chiến

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực