Phú Yên: Nhiều hệ lụy khi cho phép doanh nghiệp khai thác cát trên sông Ba

Thứ bảy, 14/10/2017 09:22
(ĐCSVN) – Trong thời gian qua, Sông Ba đoạn qua 2 xã Bình Ngọc (TP. Tuy Hòa) và xã Hòa An (huyện Phú Hòa) của tỉnh Phú Yên đang tồn tại việc các doanh nghiệp hút cát dùng phế thải vật liệu xây dựng để ngăn sông làm đường chở cát, ảnh hưởng nghiêm trọng đến dòng chảy, tạo nhiều dòng chảy chết khiến người dân rất bức xúc và lo lắng.

Đoàn công tác của UBND tỉnh Phú Yên đi kiểm tra các mỏ khai thác cát trên sông Ba.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Phú Yên, khúc sông này chảy qua địa phận 2 xã nhưng có tới 5 doanh nghiệp được cấp phép khai thác cát gồm: Doanh nghiệp Tư nhân Xí nghiệp xây dựng Hưng Thịnh, Công ty Cổ phần Vật liệu xây dựng Phú Yên, Công ty Cổ phần Hồng Phúc, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Bình An Phú Yên và Hợp tác xã Kinh doanh tổng hợp Đông Hòa An. Tổng diện tích được cấp phép của cả 5 doanh nghiệp này là 48,7 ha với trữ trượng khai thác khoảng 1,2 triệu m3.

Để thuận tiện cho việc vận chuyển cát, đa số các doanh nghiệp này đã tận dụng phế thải vật liệu xây dựng để lập nhiều con đường ngoằn ngoèo dưới lòng sông Ba.

Ông Võ Trọng Minh, trú thôn Ngọc Phước 2, xã Bình Ngọc, TP. Tuy Hòa bức xúc nói: Việc doanh nghiệp sử dụng phế thải (VLXD) để làm đường dưới sông là rất nguy hiểm vì nó có thể làm biến đổi dòng chảy, lấn đất canh tác của người dân. Mặc khác, các phương tiện chở cát gây bụi quá nhiều, ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe của người dân... Chúng tôi kiến nghị các doanh nghiệp khai thác cát phải phá bỏ các con đường này.

Không chỉ riêng ông Minh mà đa phần người dân TP. Tuy Hòa đều nhiều lần kiến nghị lên UBND thành phố, UBND tỉnh Phú Yên mong sớm được giải quyết vấn đề này.

Để có cái nhìn chính xác, ngày 9/10 UBND tỉnh Phú Yên đã lập đoàn công tác kiểm tra tại các mỏ cát ở khu vực trên.

Kết thúc buổi kiểm tra tại khu vực sông Ba, ông Nguyễn Ngọc Tứ - Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Phú Yên cho biết: Việc cấp phép mỏ ở đây mà chúng ta dùng máy để hút là không đúng quy hoạch. Hầu hết các điểm cho khai thác đều nói rõ là cho độ sâu tính từ bề mặt địa hình đến cao trình khai thác là âm 01 mét. Chính vì vậy các doanh nghiệp dùng máy bơm để hút cát là bất hợp lý.

Việc bơm hút cát như thế này không chỉ sai so với giấy phép được cấp mà còn gây nhiều khó khăn cho địa phương trong quản lý. Người dân địa phương sinh sống, sản xuất gần khu vực khai thác cát rất lo lắng khi có doanh nghiệp dùng máy bơm hút nhưng khoảng cách so với bờ chỉ là 100 mét. Điều này tiềm ẩn nguy cơ gây sạt lở bờ sông.

Ông Phạm Khi - Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Hòa cho biết: hiện nay dân cư khu vực thôn Đông Phước, xã Hòa An, huyện Phú Hòa lo lắng việc Công ty Cổ phần Hồng Phúc dùng máy hút cát có thể gây sạt lở bờ sông, ảnh hưởng đến sản xuất. Chúng tôi kiến nghị nên thu hồi một số diện tích khai thác gần bờ của doanh nghiệp này. Đồng thời đưa vị trí khai thác ra xa khoảng 300 mét so với bờ thì mới đảm bảo.

Nói về việc dùng phế thải VLXD để làm đường dưới sông, ông Nguyễn Tấn Chân - Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Phú Yên cho biết: Ở đây doanh nghiệp tự làm đường không có theo một quy hoạch nào cả. Mạnh ai người đó làm và cũng không theo một quy mô nào cả. Một số doanh nghiệp dùng chất thải xây dựng đổ ra làm đường là không đúng.

Trong số 5 doanh nghiệp khai thác cát ở đây, việc “làm đường” của  Công ty Cổ phần Vật liệu xây dựng Phú Yên là nổi cộm nhất. Trong số 560 mét đường dọc sông thì hầu hết được san lấp bằng đá thải xây dựng. Nhiều người lo ngại khi lũ trên sông Ba lên cao, cuốn lượng đá này đi sẽ làm cho lòng sông không còn như trước và cát ở đây cũng trở thành cát bẩn.

Làm đường để vận chuyển cát ngay dưới lòng sông, không chỉ gây nên việc biến đổi dòng chảy của sông Ba mà nhiều đoạn sông đang có nguy cơ biến thành những “dòng chảy sông chết” trên sông.

 

Doanh nghiệp dùng máy hút sâu dưới lòng sông, tiềm ẩn nguy cơ sạt lở bờ sông.

Ông Mai Kim Lộc - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường dẫn ra một ví dụ: Những chỗ các doanh nghiệp khai thác xong đã tạo thành dòng chảy chết vì những con đường vận chuyển chằng chịt dưới sông bít dòng chảy lại. Chỗ Công ty Cổ phần Hồng Phúc là “dòng chảy chết”.

Bà Đào Bảo Minh - Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, đại biểu HĐND tỉnh Phú Yên cũng khẳng định do lấp dòng mới tạo ra dòng chảy chết như vậy. “Đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trườngT tỉnh Phú Yên làm rõ các doanh nghiệp thu bao nhiêu và nhà nước thất thoát tài nguyên bao nhiêu”, bà Minh nói.

“Khi quy hoạch, cấp phép mỏ các thì phải chú ý đến ý kiến của địa phương”, bà Minh đề nghị và cho rằng quy hoạch cấp phép các mỏ cát trên sông Ba có nhiều bất cập nên sẽ kiến nghị Thường trực HĐND tỉnh Phú Yên chỉ đạo UBND tỉnh Phú Yên rà soát lại quy hoạch trước đây./.

Bài, ảnh: Duyên Yên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực