Phú Yên: Cửa biển An Hải tái bồi lấp ,gây khó cho người dân

Thứ hai, 14/08/2017 14:17
(ĐCSVN) – Vừa được khơi thông vào đầu năm 2017, nhưng đến nay, cửa biển An Hải, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên lại tái bồi lấp nặng khiến tàu thuyền của ngư dân không có nơi trú ẩn, hoạt động nuôi trồng thủy, hải sản của bà con vùng Đầm Ô Loan gặp nhiều khó khăn.

Cửa biển An Hải, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên rộng hơn 200m là nơi ra, vào tránh trú bão của hàng trăm tàu cá ngư dân. Ngoài ra, đây cũng là nơi trao đổi nước phục vụ cho việc nuôi trồng thủy sản trên đầm Ô Loan. Thế nhưng, tình hình bồi lấp của cửa biển này đã diễn ra một cách nghiêm trọng. Hiện tại, độ sâu của cửa biển này có nơi chỉ còn 50 cm.

Việc cửa biển này bị bồi lấp ảnh hưởng đến sinh kế của hàng trăm hộ dân thuộc 5 xã trong vùng. Các hoạt động ra, vào của hàng trăm tàu thuyền công suất lớn trên 90CV bị bế tắc hoàn toàn khi gặp những cồn cát cao. Ngoài ra, những phương tiện có công suất nhỏ khai thác hải sản gần bờ và trên khu vực đầm Ô Loan cũng gặp khó mỗi khi ra vào cửa biển này.

Ông Võ Văn Toàn, ngư dân xã An Hải, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên chia sẻ: Tôi mưu sinh kiếm sống trong đầm Ô Loan này. Hồi năm ngoái, cửa biển ở đây bị bịt kín, chính quyền cho khơi thông, người dân ở đây rất mừng vì tàu thuyền có thể ra được, giảm tình trạng ô nhiễm nguồn nước và đem lại nguồn thủy sản dồi dào cho Đầm Ô Loan. Nhưng được mấy tháng thì giờ đây, cát lại bồi, tàu thuyền không đi qua được. Ghe của tôi nhỏ xíu đây mà ra cũng không được, muốn ra thì phải xuống đẩy thôi…

Ngoài việc là nơi trú ẩn của tàu thuyền, Cửa biển An Hải còn có vai trò quan trọng trong trao đổi nước để tạo nguồn lợi thủy, hải sản trong đầm Ô Loan.

Theo người dân địa phương, những năm trước đây khi chưa khơi thông cửa biển, nước trong đầm Ô Loan bị ô nhiễm nặng do rác thải sinh hoạt của hàng nghìn hộ dân xả trực tiếp xuống đầm. Việc này cũng dẫn đến tôm, cá nuôi của các hộ dân thường xuyên chết hàng loạt.

Theo ông Ngô Văn Yêm - cán bộ hưu trí xã An Hải, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên, vừa qua, Nhà nước cho khơi thông nên đầu năm đến giờ, ngư dân ở đây được mùa tôm, cá. Mỗi người trung bình đi một đêm cũng được 300.000 – 500.000 đồng, có đêm trúng đậm thì được cả triệu. Nước trong đầm cũng đỡ ô nhiễm hơn. Giờ mà nó bồi lại thì thật khó cho người dân ở đây.

Theo UBND huyện Tuy An, dự án Nạo vét thông luồng cửa biển An Hải - đầm Ô Loan được triển khai với 4 hạng mục gồm: Nạo vét tuyến luồng chính, nạo vét cồn cát trong cửa biển, nạo vét doi cát trước cửa biển và nạo vét lạch tránh trú bão với tổng khối lượng cần nạo vét gần 1 triệu mét khối, thời gian thực hiện từ năm 2015-2017. Tuy nhiên, đến tháng 7/2016, dự án này mới được triển khai.

Sau gần 3 tháng triển khai, tháng 10/2016 phải tạm dừng vì ảnh hưởng mưa lũ. Khối lượng đã nạo vét được khoảng 300.000m3 (khoảng 24% khối lượng). Hiện cửa biển bị bồi lấp còn lại chiều rộng khoảng 80m và sâu khoảng 1,2m, bên trong cửa đã xuất hiện một cồn cát rộng khoảng 150m, dài hơn 200m và cao hơn 3m chắn ngang luồng lạch ra vào.

Mặc dù thời gian triển khai dự án vẫn còn, nhưng đơn vị thi công không thể triển khai vì Bộ Xây dựng chỉ cho phép tận thu cát nạo vét của dự án này đến cuối tháng 1/2017.

Tàu thuyền ngư dân phải neo đậu xa bờ vì không thể đi qua cửa biển

Ông Bùi Văn Thành - Chủ tịch UBND huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên cho biết: Thực tế, đây là một dự án rất cần thiết và cũng là sự mong mỏi của bà con nhân dân, vì thực tế, khi cửa biển được khơi thông, bà con ngư dân là người được lợi nhiều nhất: Thứ nhất là cái lợi về có nơi tránh trú bão an toàn; thứ hai là sẽ giảm tình trạng ô nhiễm và kéo theo là giảm tình trạng tôm, cá chết hàng loạt; thứ ba là đem lại nguồn lợi thủy sản dồi dào.

Hiện UBND huyện đã có tờ trình và kiến nghị lên tỉnh cũng như Trung ương đề nghị được nạo vét khối lượng còn lại, cố gắng tiếp tục nạo vét để cửa biển được thông luồng…

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Chí Hiến - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Phú Yên cho biết: UBND tỉnh thống nhất chủ trương tiếp tục thực hiện dự án nạo vét thông luồng cửa biển An Hải để khai thông luồng lạch, tạo môi trường hệ sinh thái phát triển các loại thủy, hải sản trong đầm, đồng thời tiêu thoát lũ. UBND tỉnh Phú Yên đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh phối hợp với UBND huyện Tuy An tham mưu UBND tỉnh đề nghị Bộ Xây dựng gia hạn xuất khẩu cát nhiễm mặn tận thu từ dự án nêu trên, trong đó lưu ý soát xét kỹ hồ sơ đánh giá tác động môi trường của dự án./.

Bài, ảnh: Duyên Yên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực