Hưng Yên: Nương nhẹ việc xử lý cán bộ cơ sở có sai phạm?

Thứ bảy, 08/04/2017 08:51
(ĐCSVN) - Sau khi có kết luận xác minh nội dung tố cáo của công dân, UBND huyện Ân Thi đã bước đầu xử lý những cá nhân, tổ chức có liên quan đến sai phạm ở xã Phù Ủng. Tuy nhiên, như phản ánh của người dân, đến nay hình thức, kết quả việc xử lý này là chưa phù hợp, có biểu hiện nương nhẹ…

Hưng Yên: Nhiều sai phạm trong dồn thửa, đổi ruộng tại xã Phù Ủng

Khu vực ruộng phục vụ dự án nhà máy sản xuất đồ nội thất Văn Phú
Hai văn bản trái ngược nhau

Trước hết cần khẳng định, Dự án xây dựng hệ thống cấp nước tập trung xã Phù Ủng được xây dựng từ nguồn vốn ODA là dự án có ý nghĩa to lớn đối với việc nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân địa phương. Nhưng không thể lấy đó làm lý do bao biện cho những sai phạm trong quá trình triển khai dự án, nhất là việc tự ý thay đổi nguồn gốc hơn 5.100 m2 đất, nguyên nhân làm cho vụ việc trở nên phức tạp khiến Phù Ủng trở thành “điểm nóng” về khiếu kiện trong nhiều năm qua.

Đáng chú ý liên quan đến sai phạm này, ông Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND huyện Ân Thi đã ký 2 văn bản trái ngược nhau. Cụ thể: Ngày 02/6/2015, văn bản số 2238/QĐ-UBND của UBND huyện Ân Thi do ông Lê Xuân Nghĩa ký đã khẳng định: tổng diện tích đất thu hồi phục vụ Dự án xây dựng hệ thống cấp nước tập trung xã Phù Ủng là 5.101 m2, nguồn gốc đất là “Đất trồng lúa do UBND xã quản lý”. Đây chính là cơ sở để sau đó, Trung tâm Nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn, thuộc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Hưng Yên (chủ đầu tư dự án) tiến hành giải phóng mặt bằng và xây dựng nhà máy nước sạch. Nhưng tới tháng 2/2016, lại chính ông Lê Xuân Nghĩa là người ký văn bản số 01/KL-UBND về việc xác minh nội dung tố cáo của công dân thôn Phù Ủng, trong đó thừa nhận, hơn 5.100 m2 đất thu hồi để phục vụ Dự án xây dựng hệ thống cấp nước tập trung xã Phù Ủng là đất 03 và “Việc công dân tố cáo nguồn gốc đất thu hồi thực hiện dự án nhà máy nước sạch không phải đất công ích mà là đất 03 của 15 hộ dân là đúng”. Như vậy, rõ ràng 2 văn bản do ông Phó Chủ tịch UBND huyện Ân Thi ký trong thời gian ngắn có nội dung trái ngược nhau. Vấn đề đặt ra là UBND huyện Ân Thi, trực tiếp là ông Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND huyện Ân Thi đã làm hết trách nhiệm của mình khi ban hành các văn bản liên quan đến dự án nhà máy nước sạch ở thôn Phù Ủng?


Theo người dân địa phương, sai phạm tại dự án nhà máy nước sạch có trách nhiệm không nhỏ của Phó Chủ tịch UBND huyện Ân Thi - ông Lê Xuân Nghĩa, người đã ký văn bản số 2238/QĐ-UBND.

Trao đổi với PV, một lãnh đạo UBND huyện Ân Thi cho biết: huyện tin tưởng vào báo cáo của Chủ tịch UBND xã Phù Ủng nên đã ký quyết định thu hồi hơn 5.100 m2 đất dưới danh nghĩa là “Đất trồng lúa do UBND xã quản lý”. “Huyện muốn đẩy nhanh tiến độ thu hồi đất và giải phóng mặt bằng để tranh thủ nguồn vốn ODA. Nếu việc gì xã báo cáo lên mà huyện cũng xác minh thì sẽ… mất rất nhiều thời gian”. 

Theo người dân địa phương, sai phạm tại dự án nhà máy nước sạch có trách nhiệm không nhỏ của Phó Chủ tịch UBND huyện Ân Thi, ông Lê Xuân Nghĩa, người đã ký văn bản số 2238/QĐ-UBND. Nhưng khó hiểu là tại văn bản báo cáo UBND tỉnh Hưng Yên, UBND huyện Ân Thi hoàn toàn không đề cập đến trách nhiệm của ông Lê Xuân Nghĩa?

Đối với UBND xã Phù Ủng, trong khi chưa ký phê duyệt phương án dồn thửa, đổi ruộng của thôn Phù Ủng nhưng vẫn chỉ đạo thôn Phù Ủng thực hiện công tác này. Điều đó đã vi phạm quy trình, trình tự tổ chức dồn thửa đổi ruộng, kéo theo những sai phạm của Tiểu ban dồn thửa đổi ruộng thôn Phù Ủng. Cùng với đó, UBND xã Phù Ủng cũng đã cùng với cán bộ thôn Phù Ủng báo cáo sai về nguồn gốc diện tích đất phục vụ dự án xây dựng nhà máy nước sạch. Song, theo phản ánh của người dân, quá trình xử lý những cá nhân liên quan đến sai phạm thì hình thức kỷ luật chưa có sức răn đe. Đặc biệt, ông Nguyễn Văn Uý, Phó Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã Phù Ủng tại thời điểm xảy ra sai phạm đã bị kỷ luật với hình thức: Khiển trách và hiện tiếp tục giữ vị trí Phó Bí thư Đảng uỷ xã Phù Ủng. Việc này đã gây bức xúc trong dư luận địa phương bởi theo chức trách, nhiệm vụ thì ông Nguyễn Văn Uý là người chịu trách nhiệm chính trong việc để xảy ra các sai phạm kể trên. Xung quanh việc  xử lý sai phạm của cán bộ xã Phù Ủng, người dân trên địa bàn cho rằng: Để xảy ra hàng loạt sai phạm, sau đó nghiêm túc kiểm điểm rút kinh nghiệm và vẫn tiếp tục làm Phó Bí thư Đảng uỷ xã, người dân chúng tôi thấy việc xử lý sai phạm như vậy là "nương tay", không có tính răn đe...

Trách nhiệm giải quyết hậu quả sau kết luận sai phạm?

Trong khi những sai phạm ở xã Phù Ủng đã được UBND huyện Ân Thi chỉ rõ tại kết luận xác minh nội dung công dân tố cáo thì đến nay những hậu quả liên quan đến các sai phạm này vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Ghi nhận của PV, tại vị trí hơn 5.100 m2 đất phục vụ Dự án xây dựng hệ thống cấp nước tập trung xã Phù Ủng đã được chủ đầu tư triển khai thi công hoàn thiện nhiều hạng mục như: móng nhà điều hành, móng khu xử lý nước… Những khu vực khác, sau khi giải phóng mặt bằng, chủ đầu tư đã tiến hành đổ cát, san nền. UBND huyện Ân Thi đã gặp gỡ, lấy ý kiến các hộ gia đình có đất bị thu hồi phục vụ xây dựng nhà máy nước sạch. Kết quả, có 8/15 hộ không nhất trí tiếp tục triển khai dự án. Theo chỉ đạo của UBND tỉnh Hưng Yên, sau ngày 31/12/2016, chủ đầu tư sẽ tháo dỡ công trình, hoàn trả lại mặt bằng ruộng như ban đầu để người dân sản xuất và di chuyển vị trí nhà máy nước sạch đến nơi khác. Nếu việc này diễn ra sẽ gây lãng phí không nhỏ cho ngân sách Nhà nước. Đồng thời, đại diện 15 hộ dân bị thu hồi đất cũng yêu cầu đền bù những thiệt hại do họ không canh tác được từ khi triển khai dự án. Dư luận đặt câu hỏi, ai sẽ là người chịu trách nhiệm chính đối với những hậu quả này?

Đối với những dấu hiệu sai phạm trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng phục vụ dự án của Công ty CP sản xuất nội thất Văn Phú, theo ông Đặng Sỹ Quang, Trưởng Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Ân Thi: Đúng là có một số trường hợp “nhầm” về diện tích và số tiền đền bù. Tuy nhiên, số liệu cụ thể của việc đo đạc, kiểm đếm thì chúng tôi đang hoàn thiện. Khi PV hỏi về những trường hợp cụ thể thì ông Quang cho biết: Đã giao cho xã xác minh, làm rõ vì bản đồ, hồ sơ có liên quan… huyện không quản lý.

Ông Trần Duy Thanh (từ phải sang), Chủ tịch UBND xã Phù Ủng thừa nhận trong quá trình triển khai công tác dồn thửa, đổi ruộng tại thôn Phù Ủng đã có những sai phạm của Tiểu ban dồn thửa đổi ruộng thôn Phù Ủng 

Trả lời các câu hỏi của PV, ông Mai Xuân Giới, Chủ tịch UBND huyện Ân Thi cho biết: UBND huyện Ân Thi quyết tâm sớm giải quyết dứt điểm vụ việc ở xã Phù Ủng. Theo đó, UBND huyện Ân Thi đã thành lập Tổ công tác đôn đốc thực hiện kết luận của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên và Kết luận số 01/KL-UBND của UBND huyện Ân Thi do ông Lê Văn Chí, Phó Chủ tịch UBND huyện làm Tổ trưởng. Cuối tháng 1/2017, ông Mai Xuân Giới, Chủ tịch UBND huyện Ân Thi đã trực tiếp về tận chân ruộng nơi người dân tố cáo có sai phạm liên quan đến dự án của Công ty CP sản xuất sản phẩm nội thất Văn Phú để chỉ đạo việc đo đạc, kiểm tra.

Thiết nghĩ, để chấm dứt tình trạng khiếu kiện kéo dài, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã Phù Ủng, vấn đề cốt lõi hiện nay đặt ra cho chính quyền các cấp ở huyện Ân Thi đó là cần xác minh, làm rõ trách nhiệm của những cá nhân, tổ chức có liên quan đến sai phạm để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Đồng thời, làm tốt công tác tư tưởng; tích cực tuyên truyền, vận động, giáo dục các tầng lớp nhân dân chấp hành nghiêm chính pháp luật, tạo điều kiện để người dân địa phương yên tâm sản xuất, phát triển đời sống./.

Thùy Linh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực