Quận Hoàng Mai, Hà Nội: Có hay không việc cố tình làm sai quy định trong giải quyết khiếu nại của công dân?

Thứ tư, 11/04/2018 12:56
(ĐCSVN) - Hơn 20 năm với hàng chục lần nộp đơn đến các cơ quan chức năng cùng nhiều văn bản chỉ đạo của các cơ quan chức năng... song đến nay ông Đỗ Đình Đức ở phố Lò Đúc, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) vẫn không thể đòi lại được thửa đất ao của gia đình mình tại phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội.

Điều đáng nói là gia đình ông Đức có đầy đủ giấy tờ để chứng minh quyền sử dụng đối với phần đất ao này. Chính sự vô lý đó cũng là nguyên nhân dẫn đến nội dung khiếu nại kéo dài hàng chục năm qua..

Bài 1:  Có hay không cán bộ xã chiếm đoạt tiền đền bù đất của dân?

Hơn 1.295 m2 đất mua lại có đầy đủ giấy tờ mua bán, có cả bản án của Tòa án thừa nhận quyền sở hữu, sử dụng tài sản, song gia đình ông Đỗ Đình Đức lại bị tước đoạt quyền sở hữu, sử dụng. Sự việc này đã gây nhiều bức xúc trong dư luận địa phương…

Ông Trần Toàn Thương, Phó Chủ tịch UBND phường Hoàng Liệt
(ngoài cùng bên trái) trao đổi với phóng viên.

Trong đơn kêu cứu gửi về Ban Bạn đọc, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, ông Đỗ Đình Đức cho biết: Thửa đất ao có diện tích 1.295 m2 thuộc thửa số 207, tờ bản đồ số 07 tại thôn Pháp Vân, xã Hoàng Liệt, huyện Thanh Trì cũ (nay là phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai) mang tên chủ sử dụng là cụ Trần Thị Hiền (mẹ ông Đức, đã mất). Cùng với quá trình đo đạc và chuyển đổi hệ bản đồ đất đai, hiện nay phần đất ao này tương ứng với thửa đất số 234, tờ bản đồ số 01, đo đạc năm 1987. Năm 1972, do hoàn cảnh chiến tranh, phải đi sơ tán, gia đình lại neo người nên cụ Hiền đã đồng ý cho HTX Pháp Vân, xã Hoàng Liệt lúc đó mượn thửa đất ao để thả cá. Năm 1991, ông Đỗ Đình Đức (được cụ Hiền ủy quyền) đòi lại diện tích đất ao nhưng HTX Pháp Vân không chịu bàn giao cho gia đình.

Theo tìm hiểu của phóng viên (PV), việc HTX Pháp Vân mượn đất ao của gia đình ông Đức đều có giấy xác nhận của người đại diện HTX và đại diện Ban quản lý ruộng đất của xã Hoàng Liệt tại thời điểm đó. Sau khi HTX Pháp Vân cố tình không trả lại phần diện tích đất ao đã mượn, ông Đức đã có đơn khiếu nại gửi chính quyền địa phương. Vì vậy, sau đó với văn bản số 06/CV ngày 26/01/1996 và Biên bản trả lời kiến nghị của công dân ngày 05/10/2000, UBND xã Hoàng Liệt đã khẳng định: Công nhận thửa ao mang điền thổ số 207, diện tích 1.295 m2 tại thôn Pháp Vân nguyên là quyền sở hữu của cụ Trần Thị Hiền. Từ sau năm 1996, thực hiện yêu cầu của UBND xã Hoàng Liệt, ông Đỗ Đình Đức đã nhiều lần đến làm các thủ tục kê khai theo quy định của Nhà nước để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, nguyện vọng chính đáng này của ông Đức lại không thể thực hiện được.

Văn bản của UBND xã Hoàng Liệt công nhận quyền sử dụng
của cụ Trần Thị Hiền (mẹ ông Đỗ Đình Đức) đối với thửa đất ao tại thửa số 207, tờ bản đồ số 7.


Tiếp tục xác minh nội dung vụ việc được biết, việc xác định quyền sở hữu của cụ Trần Thị Hiền đối với phần đất ao còn có rất nhiều căn cứ pháp lý giàu sức thuyết phục khác. Điển hình là 2 Văn tự đoạn mãi (Giấy mua bán đất) từ thời điểm năm 1942 với người mua là cụ Trần Thị Hiền; qua đối chiếu, 2 thửa đất ao này trùng với phần đất ao thuộc thửa số 207, tờ bản đồ số 07 tại thôn Pháp Vân, xã Hoàng Liệt. Đặc biệt, Bản án phúc thẩm dân sự số 352/PT/DS ngày 23/11/1971 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội cũng đã xác nhận quyền sở hữu hợp pháp của gia đình cụ Trần Thị Hiền đối với thửa đất ao nói trên. Như vậy có thể thấy, gia đình cụ Trần Thị Hiền có đầy đủ các giấy tờ, tài liệu chứng minh quyền sử dụng hợp pháp đối với thửa đất ao có diện tích 1.295 m2 thuộc thửa số 207, tờ bản đồ số 07 tại thôn Pháp Vân, xã Hoàng Liệt.

Bản án phúc thẩm dân sự năm 1971 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội
khẳng định quyền sở hữu, sử dụng của cụ Trần Thị Hiền đối với tài sản tại thửa số 207, tờ bản đồ số 7.

Trong khi gia đình cụ Trần Thị Hiền chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì đến năm 2004, thực hiện dự án xây dựng đường vành đai 3 - Cầu Thanh Trì, thửa đất này nằm trong chỉ giới giải phóng mặt bằng. Phương án bồi thường giải phóng mặt bằng được lập và triển khai nhưng gia đình cụ Trần Thị Hiền lại không có tên trong danh sách. Điều khó hiểu ở đây là trong khi chủ sở hữu, sử dụng thực sự là gia đình cụ Trần Thị Hiền không được nhận tiền đền bù giải phóng mặt bằng thì số tiền đó vẫn được giải ngân và người nhận lại là… UBND xã Hoàng Liệt. Nguyên nhân là do tại sổ địa chính của xã, tên chủ sử dụng thửa đất là cụ Trần Thị Hiền được thay bằng chủ mới là UBND xã Hoàng Liệt, bởi do gia đình “bỏ đất hoang hóa” nên trở thành đất vắng chủ. Lý do đó trái ngược với việc chính các Chủ tịch UBND xã Hoàng Liệt là ông Nguyễn Vũ Đại (năm 1996) và ông Lưu Bách Táo (năm 2000) đều công nhận quyền sử dụng của gia đình cụ Hiền đối với các tài sản nói trên. Trước thực tế trên, ông Nguyễn Văn Bình, một người dân ở phường Hoàng Liệt chia sẻ: “Đất nhà cụ Hiền có đến 2 đời chủ tịch xã Hoàng Liệt xác nhận nhưng đến tận khi cụ ấy mất vẫn không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Rồi lúc đền bù giải phóng mặt bằng con cháu cũng không được nhận quyền lợi. Thật sự tôi không hiểu chính quyền họ dựa vào đâu để làm như vậy?”.

Làm việc với PV Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, ông Trần Toàn Thương, Phó Chủ tịch UBND phường Hoàng Liệt cho biết: Nội dung về khiếu kiện đất đai của gia đình ông Đức đã kéo dài nhiều năm, các cấp từ phường, quận và thành phố đều đã trả lời đơn thư của công dân. Tuy nhiên, khi PV đề nghị được tiếp cận những văn bản, tài liệu có liên quan do phường lưu giữ thì ông Thương lại lấy lý do là… phải xin ý kiến cấp trên. Mặc dù vậy, theo tài liệu PV thu thập được, tại sổ địa chính hiện do UBND phường Hoàng Liệt quản lý, thửa đất ao có diện tích 1.295 m2 thuộc thửa số 207, tờ bản đồ số 07 nói trên hiện thuộc thửa đất số 234, tờ bản đồ số 01. Tại mục ghi “Nguồn gốc thửa đất” đã có dấu hiệu bị tẩy xóa, mà theo phản ánh của ông Đỗ Đình Đức, đây là việc làm có chủ ý nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản của gia đình ông.  Liên quan đến việc này, ông Nguyễn Hoàng Trưởng, cán bộ địa chính phường Hoàng Liệt cho biết: “Việc tẩy xóa này là có từ trước. Năm 2014 khi tôi về nhận công tác tại phường thì đã có việc tẩy xóa này rồi”.

Dấu hiệu tẩy xóa phần ghi “Nguồn gốc thửa đất” đối với thửa đất số 234,
tờ bản đồ số 1 (tương ứng với thửa đất ao tại thửa số 207, tờ bản đồ số 7 cũ).

Về sự việc trên, có dư luận cho rằng, từ năm 2004 khi thực hiện phương án giải phóng mặt bằng, phần đất ao của gia đình ông Đỗ Đình Đức đã được đền bù một số tiền lớn. Tại thời điểm đó rất có thể một số cán bộ xã Hoàng Liệt đã cố tình gây khó khăn cho gia đình ông Đức, sau đó tự ý tẩy xóa thay đổi chủ sử dụng để chiếm đoạt số tiền đền bù.

Cố gắng tìm hiểu về những phản ánh của công dân, PV Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam còn phát hiện thêm nhiều điểm “khó hiểu” của UBND phường Hoàng Liệt, UBND quận Hoàng Mai, Sở Tài nguyên & Môi trường Hà Nội… trong cách giải quyết khiếu nại và trả lời đơn thư của công dân.

Chúng tôi sẽ tiếp tục đề cập đến những điểm “khó hiểu” đó trong các nội dung tiếp theo./.

Nhóm PV Ban Bạn đọc

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực