Những vụ chanh quý của “nông dân trí tuệ”

Thứ bảy, 10/06/2017 20:27
(ĐCSVN) - Mô hình trồng chanh quý ở huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên đang mang lại nguồn thu nhập cao và mở ra một hướng phát triển nông nghiệp mới cho người nông dân địa phương này.

Chúng tôi đến huyện Khoái Châu tìm hiểu về mô hình trồng chanh, tại nông trại của anh Nguyễn Hữu Hà, một trong những người khởi đầu phong trào trồng chanh quý tại xã Tân Dân (Khoái Châu - Hưng Yên) cho biết: từ năm 2012, qua một vài người bạn anh nhập giống chanh tứ quý từ Úc và Mỹ về trồng thử nghiệm. Với số tiền đầu tư ít ỏi ban đầu khoảng 15 triệu vào năm 2012 anh trồng gần 200 cây, đầu năm 2013 đã thu hoạch được 1,8 tấn quả, doanh thu trên 30 triệu. 

Từ hiệu quả mô hình thử nghiệm ban đầu, sau 5 năm đến nay gia đình anh đã mở rộng diện tích canh tác tới 10 mẫu. Theo anh với chi phí khoảng 30 triệu/mẫu/năm, vườn đạt 7 tấn quả/mẫu, từ tháng thứ 25 thu 25 tấn quả/mẫu, doanh thu bình quân 500 triệu/mẫu/năm. Hiện gia đình anh đã đăng ký trồng chanh theo quy trình VietGap, đang từng bước đa dạng hóa sản phẩm, mở rộng sản xuất, đáp ứng nhu cầu thị trường, và trở thành một điểm sáng xây dựng kinh tế nông thôn.

 Một góc vườn chanh tứ quý của gia đình anh Nguyễn Hữu Hà xã Tân Dân (Khoái Châu, Hưng Yên). 

Từ ưu điểm cây khỏe, năng suất cao, vốn đầu tư thấp, lại dễ thích ứng với thổ nhưỡng có khả năng chống chọi dịch bệnh cao, phù hợp với quỹ đất hạn hẹp, anh Hà đã chọn Chanh là loại cây chủ lực để canh tác trên đồng đất quê hương. 

Khác với giống Chanh thường có thời gian canh tác tới 15 tháng, Chanh tứ quý chỉ 7 tháng đã ra hoa, đậu quả, thời gian thu hoạch dài trong cả năm, sản lượng ngày càng cao theo sự phát triển của cây. 

Những trái chanh tứ quý nhập giống từ Úc trong giai đoạn trưởng thành. 

Trái chanh tứ quý trưởng thành có kích thước gần gấp hai lần trái chanh thường. 

Điểm độc đáo trong kỹ thuật canh tác của anh Hà là “cho cây ăn” bằng chế phẩm sinh học làm từ đỗ tương thay phân hóa học, điều đó giúp tăng sức đề kháng sâu bệnh cho cây và không làm chết các sinh vật có lợi trong đất trồng. 

Bên cạnh việc trồng cây ăn quả, chanh tứ quý còn được ứng dụng trong việc phát triển kinh tế bằng mô hình chanh kiểng, chanh sân vườn. 

Những "vụ mùa ngọt" giúp phát triển kinh tế nông nghiệp tại xã Tân Dân còn có nhiều hộ dân khác , tiêu biểu như anh Lê Đình Năm, một nông dân trồng chanh đào từ năm 2011. 

Theo anh, với 240 cây chanh đào trồng trên diện tích 5 sào vườn, mua giống tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam với giá 10.000 đồng/cây, chi phí chung đầu tư cho sản xuất không quá 4 triệu đồng, với hai vụ/ năm, anh đạt doanh thu từ 50 - 60 triệu đồng/năm, gấp gần 20 lần so với trồng lúa. 

Với ưu điểm ít chăm sóc, thị trường lại ưa chuộng, một cây chanh đào năng xuất có thể đem lại cho người trồng gần 1 tạ quả/năm, cùng tuổi cây tới 15 năm, đang cho thấy tính hiệu quả cao của loại cây trồng này. 

Anh Lê Đình Năm giới thiệu kỹ thuật “tiện gốc” ép chanh đậu trái vụ, một cách làm sáng tạo của người nông dân huyện Khoái Châu. 

Mô hình trồng chanh quý đang góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, giúp nâng cao thu nhập và mang lại những vụ "quả ngọt" với người nông dân Khoái Châu. 

Gần đây mô hình này đã nhận được sự hỗ trợ từ các cấp lãnh đạo địa phương, theo ông Nguyễn Thanh Quyết - Phó phòng Nông nghiệp, huyện Khoái Châu (Hưng Yên), hiện tại huyện đã hỗ trợ các hộ nông dân, các hội viên trồng chanh quý hoàn thiện thủ tục pháp lý để được cấp đăng ký kinh doanh, lập Hợp tác xã. Đồng thời, huyện Khoái Châu đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hưng Yên tổ chức đào tạo, bồi dưỡng về mặt quản lý hợp tác xã./.

Thế Dương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực