Đừng để ngành đường sắt đơn độc!

Thứ sáu, 08/06/2018 10:48
(ĐCSVN) - An toàn đường sắt cũng như an toàn của các loại hình giao thông khác, trước tiên phải là con người, sau đó mới là hạ tầng, phương tiện...
Ảnh minh họa: baogiaothong.vn

Đang bỏ quên và bỏ rơi đường sắt

Việc chỉ trong mấy ngày vừa qua, hàng loạt các sự cố và tai nạn giao thông đường sắt đã gióng lên “hồi chuông” cảnh báo về hệ thống đảm bảo an toàn giao thông đường sắt.

Nhận xét về hiện trạng hạ tầng đường sắt hiện nay, ông Nguyễn Văn Thạch, Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông, Bộ Giao thông vận tải cho hay, đường sắt có tuổi đời hơn 100 năm, độ dài trên 3000km với 6 tuyến chính. Tải trọng chủ còn thấp, thiết kế được 14 tấn trụ, tuy nhiên có nhiều đoạn cầu yếu nên năng lực vận tải thấp. Đường sắt thiết kế từ lâu nên bán kính cong rất hẹp, độ dốc rất lớn, chẳng hạn như khu vực đèo Hải Vân, độ dốc có thể lên tới 17/1000 nên năng lực thông quan rất kém. Thêm vào đó, quá trình đô thị hoá, quản lý dân cư sống dọc hai bên đường sắt kém, thậm chí dân sinh sống, họp chợ, nên không thể bảo đảm an toàn.

Đáng chú ý, ông Thạch cho hay hiện nay còn trên 5.700 giao cắt giữa đường sắt và đường bộ. Trong số đó, chỉ có trên 1.000 giao cắt có phép, còn trên 4.000 là lối đi dân sinh tự mở, không có phép nên tiềm ẩn nguy cơ rất cao.

Vẫn theo ông Thạch, không chỉ hạ tầng mà phương tiện cũng đã cũ, với 300 đầu máy với đủ các chủng loại, toa xe có khoảng 5.000 toa xe hàng, 1.000 toa xe khách nhưng gồm nhiều chủng loại nên hiệu quả sử dụng và bảo dưỡng, sửa chữa còn khó khăn.

Ông Vũ Anh Minh - Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam thẳng thắn phát biểu: “Chúng ta còn 5.065 đường ngang không có rào chắn, phụ thuộc hoàn toàn ý thức của người dân. Nhiều đường ngang chúng tôi chỉ để lối nhỏ cho người dân đi qua, ô tô không thể đi qua, nhưng bàn giao cho địa phương xong người dân lại nhổ đi. Trên 70% các vụ tai nạn xảy ra tại đường ngang dân sinh là do ý thức và công nghệ”.

Trong khi đó, ông Lưu Bình Nhưỡng - Ủy viên Thường trực Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội khẳng định, “Chúng ta không thể bước vào thời kỳ cách mạng 4.0 trên cái nền mới chỉ 1.0 hay 0.4, khi chúng ta vẫn đang sử dụng các hệ thống tàu chợ, thì con người không thể vận hành 4.0”.

Ông cũng cho rằng: “Hình như chúng ta đang có một tư duy: hệ thống đường sắt là độc đạo, không rẽ ngang rẽ dọc đi đâu được, một mình một cung đường, đến khi nào không chạy được nữa thì chúng ta mới xử lý”.

Theo ông, chúng ta thiếu tư duy 4.0, thiếu tư duy chiến lược chứ không phải ở chỗ đầu tư bao nhiêu, mua tàu đẹp về đặt ở đấy cũng không thể chạy được. Thế nên, mọi thứ phải trên cơ sở đồng bộ, đồng bộ hóa phải bắt đầu từ tư duy, thể chế, sau đó mới đến vấn đề tiền. “Còn những vấn đề về kỹ thuật hết sức đơn giản. Lúc đó mới đào tạo nhân viên theo tiêu chuẩn 4.0, còn như bây giờ không thể dùng 4.0 vào hệ thống “tàu chợ” được” – ông Lưu Bình Nhưỡng nhấn mạnh.

Còn theo ông Trần Đình Thiên, Viện Kinh tế Việt Nam, Thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng, chúng ta đang bỏ quên và bỏ rơi đường sắt, trong khi đó là lợi thế cho phát triển ở đất nước vốn trải dài và có nhiều cảng biển. “Không phải chỉ ở Việt Nam, ngành đường sắt mới có tuổi đời trên 100 năm. Nhiều nước cũng thế nhưng thế giới đã phát triển, nền kinh tế của Việt Nam cũng đã phát triển, chỉ có đường sắt là đứng yên, thậm chí thụt lùi”, ông Thiên nhận định.

Đừng để ngành đường sắt đơn độc

Nói về giải pháp đảm bảo an toàn giao thông đường sắt, theo ông Nguyễn Văn Thạch, an toàn đường sắt cũng như an toàn của các loại hình giao thông khác, trước tiên phải là con người, sau đó mới là hạ tầng, phương tiện. Với con người, tốt nhất vẫn phải tuyên truyền, giáo dục, thay đổi nhận thức, chỉ khi nào người ta tự nhận thức được, tuân thủ các quy định thì khi đó mới an toàn bền vững.

Với nhân viên ngành đường sắt, không có cách gì ngoài giáo dục, đào tạo, nâng cao trình độ nghề nghiệp, tác phong tuân thủ quy trình.

Về phương tiện thì không còn cách nào khác ngoài đổi mới. Theo Luật đường sắt mới, đầu máy, toa xe khách chỉ có niên hạn 45 năm, như vậy ngành đường sắt sẽ phải bỏ đi khoảng 1/3 số đầu máy, toa xe hàng và toa khách cũng mất đi 1/5 mỗi loại. Do đó, giải pháp phải đồng bộ từ tuyên truyền, giáo dục, đến làm về hạ tầng, phương tiện thì mới thực hiện triệt để được. Các cơ quan báo đài, truyền thông cũng cần vào cuộc, tuyên truyền cho người dân nâng cao nhận thức.

Ông Nguyễn Văn Thạch nêu 2 kiến nghị: “Thứ nhất, gói tín dụng 7.000 tỷ đồng để cải thiện ngành đường sắt rất mong nhận được sự quan tâm của Quốc hội. Thứ hai, vừa qua cũng xảy ra nhiều tai nạn đường sắt rất thương tâm, đặc biệt như vụ việc ở Thanh Hoá. Có thể thấy, công tác cứu hộ, cứu nạn của đường sắt còn hạn chế, nên mong Chính phủ sẽ cho phép thành lập một trung tâm cứu hộ, cứu nạn chuyên cho ngành đường sắt, có trang thiết bị chuyên nghiệp, con người được đào tạo, huấn luyện có chuyên môn thành thục thì mới giải quyết được”.

Ông Lưu Bình Nhưỡng nhấn mạnh, không chỉ ngành đường sắt, hay Bộ Giao thông vận tải, Chính phủ mà chính quyền địa phương có trách nhiệm rất lớn đối với an nguy của giao thông nói chung và đường sắt nói riêng.

Tán thành quan điểm của ông Nguyễn Văn Thạch, ông cho rằng phải giáo dục sao cho không chỉ nhân viên đường sắt mà tất cả người dân phải ý thức tuân thủ pháp luật, yêu cuộc sống, yêu bản thân, yêu nghề. “Chính phủ phải vào cuộc, ngành giao thông vận tải phải vào cuộc tham mưu cho Chính phủ, triển khai chính sách, thể chế trong đó có Luật đường sắt và các hệ thống khác. Nếu để đường sắt đơn độc thì 7.000 tỷ chứ đến 70.000 tỷ cũng không giải quyết được...” – ông Lưu Bình Nhưỡng đề nghị.

Trước câu hỏi thực tế “chỉ có vậy” thì việc đảm bảo an toàn cho ngành đường sắt trong thời gian tới sẽ được tính toán như thế nào, ông Vũ Anh Minh cho rằng, phải giải quyết cái tồn tại của quản lý, của quy hoạch, của cả một quá trình bằng giải pháp của giai đoạn hiện nay. “Quốc hội đã thông qua Luật Đường sắt có hiệu lực từ ngày 1/7/2018 với nhiều điểm mới, nhiều sự đột phá ưu đãi. Tôi cho rằng đấy chính là sự thay đổi tư duy từ các Đại biểu Quốc hội và phải tiếp tục triển khai đến Chính phủ, người dân” – ông nói.

Theo ông, Chính phủ cũng ban hành Nghị định phấn đấu đến năm 2025 xóa hết 4.200 đường ngang. Trong gói 7.000 tỷ vốn trung hạn, chúng ta sẽ dành để giải quyết những vấn đề cơ bản của việc đồng đều tải trọng, xóa khoảng 1.000 lối đi dân sinh. Chúng ta không thể đóng hết đường lại được, chúng ta phải làm đường gom. Thay vì 200m có một lối đi thì 2km có một lối đi để cho dân, có thể phục vụ dân sinh.

Ông Vũ Anh Minh thông tin thêm, để hạn chế tai nạn xảy ra do tác nghiệp, sẽ nỗ lực ứng dụng khoa học công nghệ như lắp đặt hệ thống camera, cảm biến… để tránh phụ thuộc con người. Bên cạnh đó, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã tập trung 7 giải pháp, trong đó cả tuyên truyền, cả tổ chức sát hạch lại và kiểm tra lại. “Những cán bộ công nhân viên nào không đủ năng lực, trình độ thì tạm thời dừng công việc để học tập để tiếp tục học sát hạch lần 2, lần 3, không đạt điều kiện thì nghỉ việc” – ông nói./.

Tú Giang

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực